Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát lạm phát phải đi đôi với chặn đà suy giảm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng năm 2012 tăng chậm, nhưng con số "đẹp" này là hệ quả của tình trạng suy giảm kinh tế (sức tiêu dùng giảm mạnh, nhất là tiêu dùng cho sản xuất...).

Đó là đánh giá của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về diễn biến kinh tế thời gian qua. Theo ông Long, nếu không có những giải pháp căn cơ, lạm phát năm 2012 có thể thấp, nhưng năm 2013, và có thể cả năm sau đó nữa sẽ bùng phát trở lại ở mức cao.

Vòng luẩn quẩn của tình trạng lạm phát này có nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

- Nguyên nhân chính là do chúng ta mới thành công về kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn, chưa thành công trong trung và dài hạn. Các giải pháp được áp dụng chủ yếu mang tính ngắn hạn, tình thế, nhất là các giải pháp về tiền tệ. Những giải pháp cơ bản hơn như tái cơ cấu doanh nghiệp, quản trị, điều hành; tái cơ cấu nền kinh tế; các giải pháp thị trường... chưa được thực hiện nhiều. Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu, tổng kết nào về giai đoạn kinh tế trồi sụt liên tục trong thời gian qua để rút ra bài học thiết thực. Hệ quả có thể thấy rõ là mức tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây giảm dần, biểu hiện lạm phát - đình trệ không được chặn đứng kịp thời và CPI giảm sâu ngoài mong đợi.

Dựa trên diễn biến của thị trường thời gian qua, ông có dự báo gì về tình hình giá cả trong những tháng tới?

Kiểm soát lạm phát phải đi đôi với chặn đà suy giảm - Ảnh 1

- Dự báo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng là công việc rất khó. Tuy nhiên, với diễn biến giá trong thời gian qua, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đều dự báo, chỉ số tăng giá tiêu dùng trong năm 2012 chắc chắn sẽ ở mức một con số. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy dư địa tăng của chỉ số này trong những tháng cuối năm còn nhiều. Nhưng sẽ không dễ để đưa ra một con số chính xác vì chỉ số giá tiêu dùng đang diễn ra không theo đúng quy luật. Quy luật tiêu dùng những năm trước là sau Tết Nguyên đán giá tiêu dùng tăng mạnh rồi giảm dần và ổn định. Trong năm 2012, diễn biến giá tiêu dùng lại giảm mạnh trong những tháng giữa năm. Thêm vào đó, gần đây giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas… được điều chỉnh liên tục, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, càng làm cho việc dự báo trở nên khó khăn. Tuy nhiên, tôi e rằng nếu năm 2012, lạm phát ở mức một con số, nhưng cái vòng luẩn quẩn của lạm phát là hai năm tăng cao, một năm tăng thấp sẽ trở lại.

Vậy, để kiểm soát lạm phát thành công, cần quan tâm đến những giải pháp nào, thưa ông?

- Theo tôi, không nên chỉ dừng lại ở kiềm chế mà cần tiến tới kiểm soát lạm phát. Muốn thực hiện được mục tiêu này, cũng như tránh lặp lại vòng luẩn quẩn đã nêu trên, Chính phủ cần có hệ thống giải pháp đồng bộ. Song, trước khi xác định các giải pháp cần thiết thì phải nhận diện chính xác thực trạng kinh tế của nước ta hiện nay như thế nào. Và kiềm chế lạm phát phải đi cùng với chặn lại đà giảm sâu hơn của nền kinh tế. Đây là nhiệm vụ cấp bách. Đồng thời, cần thống nhất quan điểm tăng trưởng "nóng" gây ra lạm phát, nhưng lịch sử kinh tế của nước ta cho thấy, tăng trưởng "nguội" cũng gây ra lạm phát rất cao và khắc phục nó vô cùng khó khăn. Chính vì thế, tại thời điểm này chỉ có chặn đứng được đà suy giảm, từng bước lấy lại đà tăng trưởng một cách bền vững mới có điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu về bảo đảm an sinh xã hội.

Kiểm soát lạm phát phải đi đôi với chặn đà suy giảm - Ảnh 2

Giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas được điều chỉnh tăng liên tục là nỗi lo của người tiêu dùng. Ảnh: Trần Hoạt

Giải pháp ngắn hạn, Chính phủ đã xác định tương đối đầy đủ như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý nợ xấu của ngân hàng, biện pháp kích cầu... Chính phủ cũng đang triển khai một số giải pháp dài hạn như tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước… Và nhiều giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu quan trọng này đã được xác định trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Khác với nhiều năm trước, hướng đi lần này, biện pháp của việc nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế đã khá rõ. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra.

Xin cảm ơn ông!