Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Giải pháp căn cơ cho an toàn thực phẩm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - An toàn thực phẩm đang là vấn đề rất nóng bấy lâu nay. Để giải quyết căn cơ bài toán này thì sản xuất nông nghiệp sạch, thông qua việc hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được xem là phương thức cần được chú trọng.

Lượng hóa chất sử dụng thấp nhất cả nước
Theo thống kê của Chi cục BVTV Hà Nội, những năm qua, lượng thuốc BVTV được sử dụng trên địa bàn TP có biến động khá lớn. Cụ thể, năm 2014, con số này là 251 tấn, năm 2015 tăng lên mức 287 tấn, năm 2016 là 316 tấn. Đến năm 2017, 265 tấn thuốc BVTV đã được sử dụng trên toàn TP.
 Nông dân xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm chăm sóc rau màu. Ảnh: Trọng Tùng
Lượng thuốc BVTV trung bình mà một người nông dân tại Hà Nội sử dụng là từ 1,6 - 2,0kg trên 1ha canh tác. Đáng chú ý, con số này chỉ bằng 17 - 20% so với lượng bình quân chung của cả nước (khoảng 10kg/ha). Nhờ hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong trồng trọt, mỗi năm, người nông dân Thủ đô tiết kiệm được tới gần... 1.000 tỷ đồng.

Dù lượng thuốc BVTV được sử dụng ở mức thấp nhất cả nước, tuy nhiên, những nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn còn khá phổ biến. Thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội cho thấy, trong số 213 mẫu nông lâm sản được phân tích, kiểm tra chất lượng trong năm 2017, có 16 mẫu vi phạm chỉ tiêu về nồng độ các hoạt chất như Salmonella, Chlopyrifos, Endosulfan…

Công tác quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của thời tiết cực đoan khiến dịch bệnh hại tăng cao. Số lượng hóa chất nhiều, trong khi chất lượng khó kiểm soát. Cùng với đó là tình trạng thuốc BVTV nhập lậu từ các tỉnh biên giới…

"Bên cạnh quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, về lâu dài, cần nhân rộng những vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, áp dụng công nghệ cao và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, GMP, HACCP. Cùng với đó là thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người nông dân đối với sản xuất sạch hơn..." - Ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội.

Quản lý chặt, kết hợp tuyên truyền

Để hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng hóa chất đúng quy định, an toàn và có trách nhiệm, được xem là những nhiệm vụ trọng tâm.

Theo thống kê năm 2017, các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các địa phương kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với 698 cơ sở. Trong đó, phát hiện 44 cơ sở vi phạm điều kiện kinh doanh thuốc BVTV, xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng… Cùng với kiểm soát chặt việc kinh doanh thuốc BVTV, 13.000 tờ rơi cảnh báo về các loại thuốc BVTV ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam đã được cấp phát tới các cơ sở kinh doanh và người nông dân nhận biết, không buôn bán, tránh sử dụng. 900 bộ tài liệu cũng đã được chuyển tới cán bộ BVTV các cấp phục vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người nông dân…

Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống, phân bón, thuốc BVTV. Phối hợp tập huấn vận chuyển thuốc, an toàn hóa chất, huấn luyện chuyên môn cho cán bộ làm công tác nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV. Để làm tốt hơn công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV, ông Trường cho rằng, Bộ NN&PTNT nên nghiên cứu sửa đổi một số văn bản như: Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT, Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT về chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, buôn bán thuốc BVTV, phân bón, cũng như sớm ban hành quy định về đăng ký thuốc BVTV.