Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm tra nồng độ cồn không làm lây lan virus Corona

Hoàng Hiệp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước băn khoăn, lo ngại về việc sử dụng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở có thể lây bệnh truyền nhiễm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), đại diện Bộ Y tế và Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã có ý kiến về việc này.

Chiều 31/1, tại cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đưa ra một số nội dung đang được quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV. Trong đó có băn khoăn của người dân lo ngại rằng việc sử dụng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở có thể lây bệnh truyền nhiễm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị Bộ Y tế kiểm tra và công bố ngay việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông có làm tăng nguy cơ lây dịch hay không? Nếu có, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo dừng ngay việc này, đồng thời đề nghị Bộ Y tế khẩn trương có ý kiến chính thức bằng văn bản để công khai cho nhân dân được biết, báo cáo Thủ tướng trước ngày 4/2.
 Kiểm tra nồng độ cồn là việc làm cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ mất ATGT do sử dụng rượu, bia gây nên
Phát biểu sau đó về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: “Kiểm tra nồng độ cồn là việc làm cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ mất ATGT do sử dụng rượu, bia gây nên. Quá trình đo kiểm hoàn toàn không làm lây các bệnh truyền nhiễm như một số ý kiến, băn khoăn của người dân”.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đã nêu quan điểm về mặt kỹ thuật, máy đo nồng độ cồn có van 1 chiều nên chỉ thổi vào được chứ không hít lại được. Hơn nữa, quy trình kiểm tra của lực lượng CSGT hiện nay là mỗi người sử dụng một ống thổi, không thổi chung nên không lo người thổi bị lây nhiễm qua quá trình kiểm tra.
 Máy kiểm tra nồng độ cồn được thiết kế có van 1 chiều, sử dụng mỗi người 1 ống thổi riêng biệt
Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho chính cán bộ chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ, ông Hùng kiến nghị Bộ trưởng bộ Công an chỉ đạo trước mỗi ca tuần tra cần sát trùng máy đo nồng độ cồn. Với các cán bộ chiến sĩ, tuyệt đối phải sử dụng găng tay và đeo khẩu trang do tiếp cận nhiều người. Nếu làm như vậy sẽ không sợ lây nhiễm.
Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT tham mưu để Thủ tướng chỉ đạo các phương tiện giao thông công cộng, lái xe khách, xe buýt, taxi và kể cả khách đi các phương tiện này đeo khẩu trang.
“Nếu làm được việc này, ngành GTVT cũng góp phần hạn chế được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vì trên xe là môi trường nóng, khi xuất hiện yếu tố có virus trên xe thì khả năng lây nhiễm tại chỗ là rất cao”, ông Hùng nêu quan điểm.
 Một số doanh nghiệp vận tải đã chủ động phát miễn phí khẩu trang cho hành khách (ảnh: Thành Luân)
Trao đổi với báo chí, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai Đỗ Duy Cường cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, mức độ lây nhiễm nCoV từ 1,5 - 2,4 lần, tức là mức thấp. Việc thổi vào ống thổi đo nồng độ cồn không chỉ bệnh do virus corona mới này mà nhiều bệnh khác cũng cần lưu ý.
“Ống thổi của máy đo nồng độ cồn chỉ dùng một lần nên người dân không nên lo lắng về nguy cơ nhiễm virus corona. Các nhà sản xuất đã đưa khuyến cáo là chỉ dùng ống thổi một lần và khi thổi cũng tính toán để không lây nhiễm. Do vậy, người dân không nên lo lắng và phải khẳng định, khi thổi riêng ống thì hoàn toàn không sao" – ông Cường cho hay.