Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm tra vận hành hồ chứa cắt lũ tại Quảng Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới Quảng Nam và Đà Nẵng, thăm hỏi người dân và chỉ đạo chính quyền địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt và kiểm tra, đánh giá việc vận hành các công trình phòng chống, điều tiết lũ trên địa bàn.

Cùng với Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cũng bị thiệt hại lớn trong đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 15/11. Tại Quảng Nam, mưa lũ làm 5 người chết, 1 người bị mất tích, hơn 77.000 ngôi nhà bị ngập, hàng trăm ha diện tích nông nghiệp bị ngập úng. Đà Nẵng cũng bị ngập hơn 32.000 ngôi nhà, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, điện bị sạt lở, hư hại.

 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lắng nghe, thăm hỏi người dân về công tác tiếp nhận thông tin thông báo lũ, các phương án sơ tán, phòng chống ngập lụt. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lắng nghe, thăm hỏi người dân về công tác tiếp nhận thông tin thông báo lũ, các phương án sơ tán, phòng chống ngập lụt. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới vùng ngập sâu Đại Lộc (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng) để thăm hỏi, chia sẻ với những mất mát của người dân và chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ các gia đình thiệt hại về người và nhà cửa, ổn định lại sản xuất và đời sống sinh hoạt cho nhân dân.

Phó Thủ tướng cũng trao đổi, tìm hiểu tại cơ sở và những người dân các vấn đề trong phòng chống lũ, từ việc triển khai các phương án sơ tán, xây nhà chống lũ, lịch sử lũ lụt trong vùng và đặc biệt là việc vận hành, thông tin, thông báo của các công trình hồ chứa, điều tiết nước trên địa bàn và tác động của nó tới người dân.

Phản ánh từ người dân cho biết, lũ lên quá nhanh và cấp tập đã gây sự bất ngờ, bị động cho hạ du, đỉnh lũ trên các sông đều vượt Báo động 3 và nhiều người đã không kịp nhận thông báo từ các cơ quan chức năng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang, tình trạng ngập vừa qua là do mưa đạt từ 205-536mm diễn ra trong thời gian ngắn. Thời điểm xảy ra mưa lớn, hầu hết 73 hồ đều cho chảy qua tràn tự do, 3 hồ cho xả tràn xả sâu với lưu lượng là 9 và 59,85 m3/giây.

Đối với 4 hồ thủy điện, tỉnh Quảng Nam giám sát chặt chẽ, có đường theo dõi quá trình lũ của từng hồ. Trong đợt lũ vừa qua, các nhà máy thủy điện đã thực hiện tốt quy chế phối hợp với Ban chỉ huy PCLB địa phương. Trong các thời điểm, mức nước xả đều thấp hơn mức nước đến các hồ. Cụ thể, lúc đỉnh điểm nước về hồ ĐăkMi 4 đạt 4.360 m3/giây, mức xả là 3.900 m3/giây, hồ A Vương 898 m3/giây, mức xả 871 m3/giây, hồ Sông Tranh 2 đạt 7.056 m3 xả 2.531 m3/giây.

Các cơ quan chuyên môn đánh giá, hầu hết các hồ khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng đều thực hiện được chức năng cắt lũ, không làm nặng thêm tình trạng lũ cho vùng hạ du trong thời gian mưa lũ vừa qua và không có vi phạm về quy trình vận hành hồ chứa.

Chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của người dân các địa phương miền Trung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng ghi nhận những bước chuẩn bị chủ động và phối hợp của chính quyền, các lực lượng chuyên môn trước tình hình thiên tai, mưa lũ ngày càng cực đoan và khó lường đợt vừa qua, yêu cầu tập trung triển khai ngay các biện pháp khắc phục hư hỏng hạ tầng, nhà cửa, đảm bảo vệ sinh môi trường sinh hoạt, ruộng đồng, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

Làm rõ những vấn đề trong vận hành, góp phần phòng chống, điều tiết lũ của các công trình thủy lợi, hồ chứa trong khu vực, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu cho các cơ quan, lực lượng trong việc thông tin, cải tiến phương thức thông báo lũ kịp thời, hiệu quả hơn nữa cho người dân. Bộ NNPTNT cũng cần tổng hợp, đánh giá lại việc quy hoạch công trình, các phương án phòng chống mới, rút kinh nghiệm với các kịch bản phòng chống cho người dân.