Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên Giang: năm 2024 đầu tư công sẽ đạt trên 10.000 tỷ đồng

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2024, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đầu tư công đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.386 tỷ đồng so với năm 2023. Địa phương đang phấn đấu giải ngân vốn trong Quý II đạt từ 35% trở lên.

Giải ngân vốn đầu tư công hơn 10.000 tỷ đồng

Năm 2024 là năm thứ tư, tỉnh Kiên Giang thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm. Đây cũng là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo sự bứt phá và chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Quảng trường trung tâm và Tượng đài Bác Hồ tại TP Phú Quốc một trong những công trình trọng điểm trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Kiên Giang. (Ảnh Hữu Tuấn)
Quảng trường trung tâm và Tượng đài Bác Hồ tại TP Phú Quốc một trong những công trình trọng điểm trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Kiên Giang. (Ảnh Hữu Tuấn)

Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 dự kiến còn nhiều khó khăn hơn năm 2023, tổng số vốn được giao hơn 10.026 tỷ đồng, cao hơn 4.386 tỷ đồng so với kế hoạch được giao.

Theo Sở KH & ĐT Kiên Giang, đến hết tháng 3/2024, địa phương phân vốn 7.451 tỷ đồng, đạt 74,32% Nghị quyết HĐND tỉnh giao, đạt 98,58% kế hoạch Chính phủ giao.

Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã giao 100% kế hoạch vốn và vốn Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đang trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Đến nay, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 612 tỷ đồng, đạt 5,69% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ 4,38%.

Đến hết Quý II năm 2024: Đối với các công trình đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng trước 31/12/2023 phải hoàn thành hồ sơ thanh toán theo đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn bố trí; đối với các công trình chuyển tiếp phải giải ngân trên 50% kế hoạch vốn bố trí; các công trình khởi công mới phải hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công, giải ngân các chi phí tư vấn giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án. Đến cuối Quý III năm 2024 phải giải ngân đạt tối thiểu 65% kế hoạch vốn. Đến hết ngày 31/12/2024 phấn đấu giải ngân đạt ít nhất 95% kế hoạch vốn đã giao.

Riêng đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ phải thanh toán 100% khối lượng hoàn thành và quyết toán dự án trong năm 2024 và nguồn vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 phải đạt 100% kế hoạch vốn đã giao. Các đơn vị giải ngân không đạt chỉ tiêu nêu trên Người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có trách nhiệm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Dự án Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc được Chủ tịch UBND yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, giải quyết những vướng mắc để đưa vào khai thác cuối năm 2024. (Ảnh Hữu Tuấn)
Dự án Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc được Chủ tịch UBND yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, giải quyết những vướng mắc để đưa vào khai thác cuối năm 2024. (Ảnh Hữu Tuấn)

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung theo các chỉ thị, kết luận của UBND tỉnh, chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao, nhất là các công trình, dự án trọng điểm. UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn theo cam kết đã ký. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán vốn đầu tư...

Các chủ đầu tư khi thực hiện dự án có kế hoạch chi tiết cho từng dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán; phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ theo dõi chỉ đạo, điều hành công việc đảm bảo tiến độ, đúng quy định. Chú trọng nâng cao chất lượng việc lập các hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư; không để xảy ra tình trạng chỉ định thầu các đơn vị tư vấn năng lực yếu kém thực hiện không đạt yêu cầu phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.

Các Sở, ngành chức năng và địa phương cũng tăng cường công tác phối hợp, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, nhất là tại một số địa phương đang có dự án trọng điểm như: Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, An Biên, U Minh Thượng, Phú Quốc... Mặt khác, xử lý dứt điểm việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn vướng mắc trong năm 2023...