Đại biểu Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại hội trường ngày 4/6. Ảnh: TTXVN
Quốc hội quyết định ngân sách T.Ư hay cả địa phương?
Khoản 4, Điều 75 trong Dự thảo quy định việc QH quyết định ngân sách Nhà nước (NSNN) đưa ra 2 phương án (phương án 1: QH quyết định dự toán NSNN và phân bổ ngân sách T.Ư, phê chuẩn quyết toán NSNN. Phương án 2: QH quyết định dự toán và phân bổ ngân sách T.Ư, phê chuẩn quyết toán ngân sách T.Ư) các ĐBQH vẫn có sự nhìn nhận khác nhau.
ĐBQH Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang): Cần có nguyên tắc về chính sách xã hội 4 điều quy định về giáo dục, văn hoá, y tế và khoa học phải có một nguyên tắc về chính sách xã hội theo hướng dịch vụ công phải đảm bảo phi lợi nhuận và dịch vụ tư cũng phải khuyến khích ưu tiên phi lợi nhuận. Đây chính là những định hướng XHCN của chúng ta. ĐBQH Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên): Bộ trưởng báo cáo trước nhân dân là khó khả thi Về quy định tại Khoản 2, Điều 104 trong Dự thảo: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý vừa không đúng về lý luận, vừa không khả thi. Do vậy, nên thay bằng "quy định hàng năm các thành viên Chính phủ gửi báo cáo công tác lên Quốc hội" và quy định này để phục vụ cho việc giám sát và lấy phiếu tín nhiệm. ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình (đoàn Bến Tre): Giao quyền tự chịu trách nhiệm cho Chủ tịch UBND Tôi đề nghị sửa quy định về UBND một cách cơ bản theo hướng: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước HĐND và trước pháp luật về những quyết định hành chính, hành vi hành chính của người đứng đầu là Chủ tịch UBND; giao rõ thẩm quyền cho Chủ tịch UBND trong Hiến pháp được quyền ban hành quyết định, chỉ thị và tổ chức thực hiện. Vì hiện nay Hiến pháp chưa quy định rõ, nên nhiều luật quản lý chuyên ngành rất tùy tiện trong việc quy định thẩm quyền của UBND, thẩm quyền của Chủ tịch UBND, dẫn đến lúng túng trong thực hiện. |
Đồng tình với phương án 2, ĐB Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội) cho rằng: Phương án này đã khắc phục được tính lồng ghép, trùng lắp hình thức với thẩm quyền của QH như hiện nay. Song vẫn đảm bảo được tính thống nhất của ngân sách, không bị phá vỡ và quyền lực QH không bị suy giảm nhưng vẫn phát huy được tính chủ động của địa phương.
Một số ĐBQH khác tán thành với phương án 1 lại lý giải: QH đã quyết định dự toán phân bổ loại ngân sách gì thì phê chuẩn, quyết toán ngân sách đó là phù hợp. Theo ĐB Đặng Đình Luyến (đoàn Khánh Hòa), việc quản lý, điều hành đất nước, trong đó có việc quyết định vấn đề NSNN phải bảo đảm sự thống nhất toàn diện và giao cho QH quyết định. Bổ sung ý này, ĐB Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cho rằng, nếu QH chỉ quyết định phần ngân sách T.Ư thì sẽ khó kiểm soát nợ công và ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia.
Quyền công dân phải được tạo điều kiện thực thi
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được các ĐB đánh giá là có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH đề xuất, Dự thảo cần quy định mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo cả quyết định và hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đề nghị bổ sung vào Điều 3: "Mọi quyền con người, quyền công dân được ghi trong Hiến pháp phải được thực thi trong thời gian sớm nhất".Ở một góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Tuyết Liên (đoàn Sóc Trăng) đề nghị, khoản 3, Điều 16 quy định "công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội" nhưng lại không quy định chiều ngược lại là Nhà nước cũng phải có trách nhiệm với công dân, do đó cần bổ sung thêm nội dung này".
Nhất trí quy định quyền sở hữu toàn dân về đất đai
Hầu hết các ĐBQH phát biểu khi đề cập tới Điều 58 đều thể hiện quan điểm nhất trí quy định quyền sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là chủ thể được toàn dân giao quyền sở hữu. Tuy nhiên, không đồng tình với việc đưa thu hồi đất phục vụ dự án kinh tế - xã hội vào hiến định, ĐB Dương Ngọc Ngưu (đoàn Điện Biên) đề nghị, đối với các dự án phát triển kinh tế, Nhà nước cần đứng ra thu hồi, sau đó tổ chức đấu thầu cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần thống nhất những quy định trong Hiến pháp với Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan...
Cho rằng, tính chất, mục tiêu của loại dự án này không đồng nhất với mục đích quốc gia, công cộng và quyền của người sử dụng và người thu hồi là ngang nhau vì đều "sinh lời", ĐB Bùi Văn Xuyên (đoàn Thái Bình) đề nghị, phải áp dụng hình thức trưng mua. ĐB Nguyễn Văn Thanh (đoàn Vĩnh Long) đề xuất, nên tách thành một khoản mục và cần chế định việc thu hồi đất được thực hiện công khai và bảo đảm đời sống cho người được thu hồi.
Cần thêm các thiết chế độc lập
Liên quan đến ba thiết chế độc lập trong Dự thảo, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) và Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) đề nghị xem xét đưa Tổng cục Thống kê và Ngân hàng T.Ư thành những cơ quan độc lập, để bảo đảm số liệu chính xác. ĐB Lê Hồng Khanh (đoàn Hải Dương) lại đề xuất, cần thành lập thêm thiết chế Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia do QH bầu để đủ sức mạnh ngăn chặn, răn đe, đẩy lùi tham nhũng.
Các ĐBQH cũng đưa ra nhiều góp ý quanh mô hình hoạt động của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong đó nên bổ sung quy định án lệ (án mẫu)…
Tổng kết lại 2 ngày thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết: Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời, sau kỳ họp, tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của nhân dân đến ngày 30/9, trước khi trình QH thảo luận, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2013, để bản Hiến pháp thực sự đáp ứng được nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.