Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên quyết cắt bỏ doanh nghiệp Nhà nước yếu kém

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng hiệu quả DN Nhà nước (DNNN): Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức 18/9, các chuyên gia đều nhất trí quan điểm DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, nếu không làm được hãy lùi lại giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện, môi trường cho thành phần kinh tế khác phát triển.

 Dây chuyền sản xuất sợi filament POY của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PV TEX). Ảnh: Văn Bộ
Hoạt động không hiệu quả nên phá sản, giải thể

Sau hơn một năm Ban Chỉ đạo của Chính phủ tiến hành rà soát tổng thể và đưa ra các giải pháp xử lý tổng thể 12 dự án thua lỗ, đến nay ra sao luôn là vấn đề được quan tâm. Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho hay: Trong 6 dự án đã hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn thua lỗ, đến nay đã có 2/6 dự án thoát lỗ và bước đầu sản xuất kinh doanh có lãi; Đối với nhóm 3 dự án tạm dừng thi công, thì dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã tiến hành bán đấu giá nhưng chưa thành công.
Cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nghị quyết cho phép Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đi vào hoạt động, như vậy mới có đầu mối sớm hoàn thiện cơ chế, thiết chế vì hiện nhiều DNNN lớn vẫn nằm rải rác ở các bộ, ngành, địa phương.
Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến
Hai dự án còn lại cũng đang tìm đối tác để có thể vận hành trở lại; Đối với nhóm các dự án thứ ba gồm các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Công ty PVTex) đã vận hành trở lại và cho ra sản phẩm tiêu thụ đảm bảo chất lượng. Điểm quan trọng nhất là các dự án này hoạt động trở lại khi không sử dụng thêm bất kỳ nguồn ngân sách nào nên tuân thủ theo đúng nguyên tắc mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra.

“Đến thời điểm này giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN một cách hiệu quả và thực chất cơ bản đã đầy đủ, vấn đề là công tác thực thi phải nghiêm túc, tuân thủ theo cơ chế thị trường. Đối với những DNNN yếu kém, không thể phục hồi được, quan điểm của Chính phủ là cần kiên quyết cắt bỏ” - Cục trưởng Cục Tài chính DN chia sẻ.

Đồng tình quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng cho rằng, Nhà nước có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch tình hình tài chính, đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại DN; định kỳ hằng năm công khai. Cuối tháng 9, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề riêng về DNNN, Chính phủ đưa thông điệp DNNN chỉ làm những việc nhà nước cần an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, những vấn đề mà tư nhân không làm được. Phải cổ phần hóa (CPH) để giải phóng nguồn lực, để các thành phần khác tiếp cận phát triển.

Rà soát đất đai trước CPH là đúng đắn

Trong hơn 20 năm qua, có khoảng 92% tổng số DNNN đã thực hiện CPH nhưng thực tế mới có khoảng 10% lượng vốn Nhà nước được thay thế bởi vốn của tư nhân.

Những vướng mắc trong CPH như xác định giá DN, quyền sử dụng đất xác định giá đất thế nào... nếu không được giải quyết nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng bỏ vốn vì mớ thủ tục phức tạp quá. “CPH bán cho ai, bán cho tư nhân trong nước hay nước ngoài đều phải minh bạch. Trong số 12 dự án yếu kém của ngành công thương, Nhà máy giấy Phương Nam bán 3 lần chưa được, tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không ai tham gia” - chuyên gia Lưu Bích Hồ đặt vấn đề.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Đặng Quyết Tiến điều tiên quyết là phải đảm bảo tính minh bạch và rất cần sự tham gia các tổ chức chuyên nghiệp, các nhà đầu tư thực sự trên thị trường. Định giá vốn Nhà nước phải theo giá thị trường. Phải đổi mới, hình thành các tổ chức giám sát độc lập để tiến hành định giá ngoài danh sách cứng thường thuê như trước nay. Quan điểm của Bộ Tài chính, để thực hiện CPH, thoái vốn giai đoạn 2018 – 2020, các DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH, thoái vốn cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý. “Các DNNN sắp xếp lại tài sản, đất đai không dùng phải trả lại cho địa phương để phân bổ lại hiệu quả hơn” - ông Hùng đồng tình.

Tiến độ CPH những năm gần đây có xu hướng chậm lại, đòi hỏi sự quyết tâm cao từ chính lãnh đạo quản lý DN, kể cả bộ, ngành cơ quan chủ quản các DN. Đã đến lúc không thể chần chừ. Càng để kéo dài, giá trị DN càng thấp đi. Như Sabeco, Vinamilk là thương hiệu lớn đã CPH rất thành công. “Trong tình hình Cách mạng Công nghiệp 4.0, có những sản phẩm mới, ngành nghề mới ra đời, giá trị thương hiệu sẽ thay đổi. Như vậy phải đẩy nhanh tiến độ CPH” - ông Lưu Bích Hồ bày tỏ.