Hà Nội vừa hoàn thành việc thanh lý, sắp xếp, bó gọn các đường dây cáp đi nổi thí điểm tại 10 tuyến phố. Mặc dù vẫn còn những phản ứng trái chiều từ phía các doanh nghiệp (DN) viễn thông, internet, truyền hình cáp, song theo đánh giá chung của người dân, đây là chủ trương đúng, cần được triển khai rộng khắp góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị. Không thể không cắt bỏ Từ nhiều năm nay, người dân Thủ đô không khỏi bức xúc trước việc các nhà mạng và công ty truyền hình cáp đua nhau chăng dây cáp nhằng nhịt lên các cột điện, cột đèn chiếu sáng… gây mất mỹ quan, mất an toàn, đặc biệt là vào mùa mưa bão. "Vì các DN viễn thông treo trộm dây cáp lên cột điện, nên chúng tôi đã phải tăng chi phí chịu lực cho các cột điện, tốn kém khá nhiều" - đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) bức xúc.Chia sẻ vấn đề này tại Hội nghị bàn về quản lý, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp lại các đường dây cáp đi nổi trên địa bàn TP Hà Nội sáng 11/7, ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở TT&TT Hà Nội cho biết: "TP đã nhiều lần tổ chức bó gọn, thanh thải các dây cáp thừa từ những năm trước nhưng không xuể, năm nay là "Năm trật tự và văn minh đô thị" nên chúng tôi sẽ làm quyết liệt hơn".
Những cuộn dây cáp điện, viễn thông nổi lên lấn chiếm vỉa hè trên phố Trần Phú, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng |
Ghi nhận từ thực tế, có đến 50% dây cáp "chết" nhưng vẫn không được các DN xử lý. Ngày 17/6, Sở TT&TT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các DN viễn thông chủ động thực hiện việc sắp xếp các tuyến cáp này. Tuy nhiên, có DN nghiêm túc thực hiện, có DN chỉ làm đối phó. Đại diện Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội cho biết thêm, theo Công văn số 4901 của Sở Xây dựng (ngày 13/6/2014) và phương án của Công ty đưa ra tại các cuộc họp trước đó với DN viễn thông, internet, việc bó gọn sẽ thực hiện bắt khuyên, xà để các đơn vị đưa cáp vào, đồng thời treo biển nhận diện. Các sợi cáp đi ngoài khuyên, không có biển nhận diện được coi là cáp không sử dụng sẽ bị cắt thanh thải nhưng nhiều DN không thiện chí, treo tất cả các dây cáp vào khuyên, không cho Công ty cắt bất kỳ dây cáp nào. Thực tế cho thấy, nếu các DN hợp tác, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng trong quá trình thanh thải, sắp xếp dây cáp sẽ không xảy ra hiện tượng cắt nhầm dây cáp vẫn đang sử dụng. Việc cắt bỏ dây cáp cũng diễn ra nhanh chóng, xử lý được số lượng lớn dây cáp "chết" như tuyến Cát Linh giảm tới 2/3 số đường dây cáp. Tiếp tục triển khai đồng bộ Hầu hết các DN đều bày tỏ ủng hộ việc TP thanh lý, sắp xếp, bó gọn các đường dây cáp đi nổi. Tuy nhiên, một số DN cũng lo ngại trong quá trình thao tác ngoài hiện trường không tránh khỏi trường hợp đơn vị thi công cắt nhầm dây cáp của mình. Để tránh tình trạng này, đại diện Công ty FPT Telecom kiến nghị, trước khi tiến hành thanh thải, cắt bỏ dây cáp, Sở TT&TT Hà Nội cần thông báo kế hoạch sớm hơn nữa để DN chủ động xử lý từ trước. Còn theo đại diện Viettel Hà Nội, việc chỉnh trang các đường dây đi nổi nên được tiến hành vào ban ngày để nếu xảy ra sự cố đứt dây cáp thì DN sẽ kịp thời xử lý. Ngoài ra, theo ông Đặng Anh Sơn - Phó Giám đốc VNPT Hà Nội, thủ tục cấp phép sửa chữa đường dây cáp ngầm khi gặp sự cố hiện còn khá chậm trong khi yêu cầu ứng cứu thông tin phải thực hiện trong 5 tiếng đồng hồ. Đối với các tuyến cáp mới, thủ tục cấp phép kéo dài đến một tuần. Một số DN đề nghị, thay vì mỗi khi cần mở tuyến cáp mới phải đến Sở TT&TT xin giấy phép thì hàng năm, các DN sẽ gửi quy hoạch tuyến cáp của mình để Sở phê duyệt một lần. Nếu áp dụng theo hướng này thì sẽ giảm tải được khá nhiều chi phí, thời gian cho các bên. Chia sẻ kiến nghị của các DN, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và DN. Liên quan tới công tác thanh lý, sắp xếp, bó gọn các đường dây cáp đi nổi, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ theo chủ trương của TP. Quan điểm là sẽ kiên quyết cắt bỏ, thanh thải những dây cáp không còn sử dụng, chỉnh trang các cột dây cáp đi nổi hoặc hạ ngầm để đảm bảo mỹ quan đô thị.