Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Năm 2016, toàn ngành thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, trên tất cả các mặt công tác đều có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị |
Ngành thanh tra đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Ngành cũng đã phát huy tốt vai trò tham mưu và triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Công tác xây dựng ngành được chú trọng, rà soát cơ cấu tổ chức bộ máy, quan hệ phối hợp với các ngành và địa phương ngày càng chặt chẽ…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà ngành cần khắc phục.
Đó là, việc xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra còn chậm, chưa sát thực tế; chất lượng kết luận một số cuộc thanh tra chưa cao, chưa huy động được ý kiến phản biện, góp ý chuyên sâu của các chuyên gia; trong giải quyết khiếu nại tố cáo chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại nên kết quả còn hạn chế, việc giải quyết còn chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tình hình tham nhũng đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi; việc phát hiện và xử lý tham nhũng qua thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế; một số hạn chế trong công tác xây dựng ngành đã tồn tại từ nhiều năm trước nhưng đến nay chưa khắc phục triệt để.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý có một số kết luận thanh tra còn né tránh, ngại va chạm là chưa làm hết chức trách, thẩm quyền, điều này liên quan đến phẩm chất công vụ của người làm công tác thanh tra, cần phải khắc phục kịp thời, triệt để trong thời gian tới. Qua thanh tra phải phát hiện vi phạm, tiêu cực, lãng phí trên tinh thần không ngại va chạm, không có vùng cấm, kiến nghị hoàn thiện những sơ hở của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh một số nội dung chính mà ngành cần nỗ lực thực hiện trong năm 2017.
Đó là, tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Thông báo kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2016.
Thực hiện các cuộc thanh tra khoa học, bảo đảm yêu cầu và nội dung định hướng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung thanh tra chuyên đề một số lĩnh vực như quản lý sử dụng đất đai, tập trung vào việc chuyển đổi sử dụng nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích sử dụng khác; công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường tại một số khu công nghiệp và khu đô thị mới, nhất là thanh tra một số tổ chức tài chính, ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao, có nguy cơ mất vốn, tài sản; công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu, tổ chức quán triệt và triển khai các chủ trương, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là tăng cường công tác phát hiện, phối hợp xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Nhấn mạnh đến đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu ngành thanh tra cần tăng cương kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường phối hợp công tác với các bộ, ngành, địa phương.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần quan tâm đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, chống tham nhũng, kịp thời giải quyết các kiến nghị, tổng kết các nguyên nhân, giải pháp dẫn đến khiếu nại tố cáo đông người.
“Chỉ đạo cơ quan thanh tra thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất để làm rõ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết chuyển xử lý hình sự các vụ việc có dấu hiệu rõ ràng, đồng thời thanh tra đến cùng vụ việc, kiên quyết thu hồi tài sản do phạm tội mà có”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Đặc biệt, cần làm rõ nguyên nhân khiếu nại tố cáo đông người, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp có hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực tiễn từ công tác giải quyết khiếu nại tố cáo cho thấy, để xảy ra tình trạng này có nguyên nhân của công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương chưa công khai, minh bạch, việc áp giá đền bù có nhiều sai sót so với quy định của Nhà nước. Việc giải quyết hài hoà lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư chưa thoả đáng, thiếu công bằng, có dấu hiệu liên quan đến lợi ích nhóm, có nơi nhà đầu tư được hưởng lợi nhiều hơn còn người dân bị thu hồi đất đai thì chưa được đền bù thoả đáng.
Năm 2017, ngành thanh tra cần quán triệt thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ gương mẫu, tận tụy, liêm khiết, đúng như Bác Hồ dạy “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thanh tra và phòng chống tham nhũng để góp phần xây dựng thể chế, chính sách ngày càng tốt hơn.