Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiều hối rậm rịch đón Luật Nhà ở mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi Luật Nhà ở sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014 cho phép kiều bào mua nhà ở trong nước, đến nay đã có gần 7.000 người đứng tên sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Trao đổi với báo chí tại buổi gặp mặt công bố chương trình Xuân quê hương 2015, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho biết, từ khi Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua đến nay, đã có 7.000 kiều bào đứng tên sở hữu nhà ở tại Việt Nam. “Với môi trường đầu tư, kinh doanh ngày một cải thiện, thay đổi trong cách tiếp cận của các nhà làm luật… đã kéo bà con kiều bào về với quê hương ngày một nhiều hơn”, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nói.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Công ty Western Union thực hiện cuối năm 2014 cho biết, một phần đáng kể lượng kiều hối chuyển về Việt Nam được sử dụng để mua bất động sản.

 
Tổng lượng kiều hối năm 2014 cán mốc 12 tỷ USD. 16 - 17% trong số này chảy vào bất động sản.
Tổng lượng kiều hối năm 2014 cán mốc 12 tỷ USD. 16 - 17% trong số này chảy vào bất động sản.
Cụ thể, tại 7 tỉnh, thành phố có lượng kiều hối lớn, hơn 30% người nhận kiều hối trong 3 - 5 năm gần đây gửi vào ngân hàng lấy lãi, 27 - 30% để đầu tư cho sản xuất dịch vụ, 20% mua vàng và 16 - 17% mua nhà đất. Với lượng kiều hối ước tính khoảng 12 tỷ USD của năm 2014, sẽ có khoảng 1,5 tỷ USD kiều hối được sử dụng để mua nhà, đất.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, con số này sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới khi mà Luật Nhà ở mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sự cởi mở trong việc cho phép Việt kiều, người nước ngoài sở hữu và kinh doanh nhà ở tại Việt Nam có thể khiến lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực bất động sản nhiều hơn.

Từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Tương tự, cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được phép sở hữu nhà ở. Đặc biệt, tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép đầu tư, xây dựng nhà ở theo dự án để cho thuê.

Trước đó, việc Việt kiều, người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam được thực hiện theo Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội rất hạn chế. Vì thế, theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong 5 năm (2009-2014), chỉ có hơn 400 người là Việt kiều và nước ngoài mua được nhà ở tại Việt Nam.

Bình luận về sự thay đổi trong chính sách nhà ở của Việt Nam, ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, các điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam thoáng hơn so với những dự đoán trước đó, qua đó đánh dấu bước đi quan trọng trong việc mở cửa thị trường bất động sản cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hai quy định duy nhất còn hạn chế đối với người nước ngoài là thời hạn sở hữu không quá 50 năm và số lượng bất động sản được sở hữu tối đa trong một tòa nhà chung cư/một đơn vị hành chính cấp phường (hoặc tương đương). Ngoài ra, không còn quy định giới hạn về bất động sản được phép sở hữu.

Trả lời câu hỏi, liệu có hay không một làn sóng Việt Kiều và người nước ngoài đổ tiền mua bất động sản tại Việt Nam khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, ông Richard Leech cho rằng, có thể Luật chưa có tác động ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ khiến thị trường nhà ở đã được cải thiện gần đây đi theo hướng tích cực hơn.

“Luật Nhà ở sửa đổi mới sẽ giúp thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có mong muốn đầu tư vào thị trường này và xóa đi những rào cản ban đầu, tạo một sân chơi công bằng hơn giữa người nước ngoài và người dân Việt Nam”, ông Leech nói.