Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Kiều nữ” lên đời bằng lừa bán nhà đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các “chiêu” lừa được các cô áp dụng quái thật, khiến tội phạm lừa đảo chuyên nghiệp cũng bái phục...

KTĐT - Các “chiêu” lừa được các cô áp dụng quái thật, khiến tội phạm lừa đảo chuyên nghiệp cũng bái phục...

Đều xuất thân từ những cô gái được gia đình nuôi ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp đại học, có công việc làm ổn định, nhưng phát sốt khi thấy thiên hạ giàu nhanh, các cô gái này cũng muốn thể hiện bản thân biết “hái” ra tiền không thua kém người khác bằng cách lừa đảo chiếm đoạt tiền tỉ để sắm ôtô xịn, mua nhà to, xài đồ hiệu.

Tối 16/3 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an TP Hà Nội đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp, tạm giữ hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với hai vợ chồng Nguyễn Quốc Hưng (SN 1985, nhân viên Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và Nguyễn Thị Họa My (SN 1985, giáo viên Khoa Điện tử, ĐH Dân lập Thành Đô). Với thủ đoạn làm giả "sổ đỏ", hai vợ chồng Hưng - My đã lừa đảo bán gần 20 mảnh đất "ma" tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho chính một người đồng nghiệp của Nguyễn Quốc Hưng.

Kế hoạch lừa bán đất được My và Hưng thực hiện từ khi còn đang yêu nhau. Tháng 6/2010, biết anh Nguyễn Thế Anh, đồng nghiệp với Hưng ở Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc có nhu cầu đầu tư nhà đất, My nói với Thế Anh có nhiều đất ở khu vực thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức cần bán.

Vào thời điểm đó, khu vực phía tây Hà Nội đang lên cơn sốt đất. Thấy giá cả những lô đất mà My đưa ra cũng khá rẻ nên anh Thế Anh quyết định đầu tư lớn, rủ cháu họ là Trần Minh Huấn, Chủ tịch HĐQT một công ty xây dựng ở Phú Diễn, Từ Liêm và một người bạn gái cùng tham gia. My cùng Hưng dẫn những người mua đất nói trên đến khu vực đất dịch vụ, đất giãn dân của xã An Khánh để "xem đất" và hứa sẽ chịu trách nhiệm làm sổ đỏ, sang tên chính chủ từ đầu cho người mua. Tin tưởng Hưng là đồng nghiệp nên anh Thế Anh đã gom tiền mua đất.

Quả là Họa My cũng có giọng nói ngọt ngào, dễ nghe, khiến người khác xiêu lòng như tiếng hót của loài chim mà cô này mang tên nên chỉ trong vòng từ tháng 7 đến 8/2010, anh Huấn đã mua của My 15 mảnh đất; anh Thế Anh cũng mua của My 4 mảnh đất ở thôn Lai Xá với tổng số tiền My đã nhận là trên 11 tỉ đồng.

Để có sổ đỏ giao cho người mua, Nguyễn Quốc Hưng đã lấy các phôi sổ đỏ thật ở Phòng Tài nguyên - Môi trường, nơi Hưng làm việc đưa cho My. My thuê người làm giả con dấu của UBND huyện Hoài Đức và dấu chức danh của ông Đàm Văn Thông, Phó chủ tịch huyện. Sau đó, My trực tiếp ký chữ ký giả, đóng dấu giả rồi giao cho người mua đất. Phần lớn các mảnh đất "ma" được My bán cho 2 người có diện tích vừa phải, 50-60m2 với giá chỉ từ 500 triệu đến 800 triệu đồng. My giải thích đó là đất dịch vụ.

Một lần cô ta bịa ra lý do có ông chú tên là Nguyễn Như Hồng, là chú họ (thực chất ông Hồng là bố đẻ của My) có mảnh đất trên 300m2 ở mặt đường 32 thuộc thôn Lai Xá, muốn bán với giá 1,9 tỉ đồng. My cho cả số điện thoại di động của ông để anh Thế Anh có thể liên hệ kiểm tra, trao đổi giá cả và phương thức thanh toán. My làm sẵn giấy biên nhận tiền của ông Hồng, đưa cho anh Thế Anh và yêu cầu chuyển tiền mua đất vào tài khoản của Nguyễn Thanh Tuyền (là chị ruột My).

Quá tin tưởng vào My và Hưng, các anh Huấn, Thế Anh cất giữ sổ đỏ chờ cơ hội giá đất tăng sẽ bán. Nhưng cuối năm 2010, khi mang "sổ đỏ" đến cơ quan chức năng huyện Hoài Đức để làm thủ tục sang tên cho người khác mới biết đó là sổ đỏ giả. Không trốn đi đâu được, hai vợ chồng Hưng - My mới trả lại một phần tiền cho người bị hại, đến nay còn nợ 6,4 tỉ đồng.

Theo khai nhận của My tại Cơ quan điều tra, cuối năm 2010, My và Hưng kết hôn. Số tiền chiếm đoạt được của hai anh Huấn và Thế Anh, được My gửi tiết kiệm và mua liền 2 chiếc ôtô Santafe, Camry để ra oai với thiên hạ. Sẵn tiền, My và Hưng thuê một căn hộ tại CT1A khu đô thị Mỹ Đình II với giá gần chục triệu/tháng. Khi bị công an bắt giữ, những người hàng xóm mới té ngửa bởi cặp vợ chồng trẻ giàu có mà lâu nay họ ngưỡng mộ lộ mặt là những kẻ lừa đảo siêu hạng.

Riêng Nguyễn Thị Họa My, cho đến phút cuối trước khi bị Cơ quan Công an dẫn giải đi, cô ta vẫn khá bình tĩnh, không hề khóc lóc như thái độ thường thấy ở các đối tượng phạm tội khác. Có lẽ khi thực hiện kế hoạch lừa đảo, cả My và chồng đã lường trước được hậu quả. Chỉ có điều, muốn có nhiều tiền, muốn giàu nhanh không thua kém người khác, cặp vợ chồng trí thức này đã sẵn sàng làm liều, liều đến mức những người lớn tuổi phải lắc đầu không chấp nhận nổi.

Muốn giàu nhanh, muốn có nhà đẹp, xe ôtô đẹp để cho nhà chồng và bạn bè "biết mặt". Đó là Nguyễn Phượng Ly (SN 1986, ở tổ 35 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ly từng đỗ Đại học Giao thông vận tải và đi du học tại Nga. Năm 2007, Ly về nước, lấy chồng cũng là một bạn du học. Mẹ chồng Ly xin cho con dâu vào làm việc tại một cơ quan Nhà nước nhưng Ly chê lương thấp, không chịu làm. Ly cũng không chịu ở chung với nhà chồng mà đòi ra ở riêng để tự lập cuộc sống và quyết tâm sẽ làm giàu cho mọi người biết được tài năng của Ly.

Mẹ chồng Ly đành thuê một căn hộ cho vợ chồng Ly ở riêng. Và rồi, chỉ sau một thời gian ngắn, Ly giàu lên thật khiến hàng xóm xung quanh cũng phát ngợp vì cái sự giàu có một cách bất thường của cô con dâu trẻ tuổi này. Đầu tiên, Ly sắm một "con xe" Venza nhập khẩu có giá 1,6 tỉ đồng. Chưa biết lái xe, cô ta thuê ngay một tài xế riêng, trả lương 3 triệu đồng/tháng. Sau đó một thời gian ngắn, Ly mua một ngôi nhà 3 tầng tại phường Trung Hòa với giá trên 3 tỉ đồng.

Ngày dọn về nhà mới, Ly cho sửa sang lại toàn bộ nội thất, dùng toàn đồ xịn, lát sàn gỗ, bể cá âm tường, dàn tivi màn hình phẳng cỡ lớn treo khắp các phòng... Riêng tiền sắm sửa cho nhà mới này lên tới 400 triệu đồng khiến ai vào cũng choáng vì gia chủ quá chịu chơi. Đùng một cái, Nguyễn Phượng Ly bị Cơ quan Công an bắt giữ. Lúc đó, mẹ chồng cô mới biết rõ nguyên do cái sự giàu lên nhanh chóng của cô con dâu thích làm giàu này.

Thì ra trong thời gian ở nhà nuôi con nhỏ, không biết làm gì để kiếm nhiều tiền, Ly lên mạng, lấy thông tin về các dự án bán nhà chung cư trên các sàn giao dịch, Nguyễn Phượng Ly đã làm giả hợp đồng mua bán nhà, dùng chứng minh nhân dân nhặt được để giả mạo tên tuổi, đăng báo rao bán nhà đất trên mạng với giá hấp dẫn. Khi có khách mua, Ly thuê người đóng giả nhân viên của các công ty kinh doanh nhà, thuê một căn hộ tại khu đô thị Mỹ Đình, giới thiệu là nhà của mình để người mua tin tưởng về "nguồn gốc" người bán.

Ý định của Ly là sau khi lừa lấy tiền xong sẽ "bùng". Bị hại cứ theo địa chỉ cô ta thuê nhà tìm đến, thì lúc đó Ly đã cao chạy xa bay rồi. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ly đã lừa đảo chiếm đoạt gần 6,4 tỉ đồng từ việc bán "chung cư ma" bằng cách làm giả hợp đồng mua bán nhà của 5 dự án: INTRACOM 2 - Phú Diễn, HC Complex, N08 Nguyễn Phong Sắc, 99 Hồ Tùng Mậu và dự án chung cư trên đường Trần Duy Hưng. Ly đã dùng ngay tiền lừa đảo để mua sắm "tưng bừng" khiến thiên hạ hoa hết cả mắt.

 Dù tiếp xúc với khá nhiều đối tượng lừa đảo thuộc diện cao thủ nhưng khi nhắc đến Đặng Thị Kim Dung (SN 1982, ở phố Định Công, Phương Liệt, Thanh Xuân), các điều tra viên Phòng PC46 Công an Hà Nội đều có chung nhận xét, cô này ít tuổi nhưng thật "quái chiêu", lừa đảo chiếm đoạt hơn 40 tỉ đồng dễ như bỡn.
Cũng giống như Nguyễn Phượng Ly và Nguyễn Thị Họa My, Dung là một trí thức trẻ, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ năm 2005. Ra trường, cô vào công tác tại một hiệp hội nghề nghiệp và làm thêm công việc môi giới bất động sản.

Theo khai nhận của Dung, năm 2009, Dung nhận tiền đặt cọc của nhiều khách hàng có nhu cầu mua nhà tại dự án Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội do Tập đoàn HUD là chủ đầu tư, Công ty CP Tasco là nhà đầu tư thứ cấp. Do không thực hiện được việc mua bán nhà dự án cho khách hàng, bị phạt tiền nên Dung trở thành "con nợ" của nhiều người. Bí bách về tài chính, tháng 6/2010, Dung đã nghĩ ra kế hoạch lừa đảo. Cô ta liên kết với Đặng Thị Thiên Hương, họa sĩ thiết kế làm cùng cơ quan, làm giả các bộ hợp đồng góp vốn, phiếu thu tiền có con dấu và chữ ký của lãnh đạo Công ty Tasco để lừa bán cho khách hàng.

Sau khi Hương sản xuất các loại giấy tờ giả này bằng phương pháp scan, in phun màu, Dung làm nhiệm vụ tập ký chữ ký giả của ông Phạm Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tasco rồi ký trực tiếp lên bản hợp đồng giả mạo trên. Với số giấy tờ giả này, Dung đã bán các ô đất "ma" cho 2 cá nhân, chiếm đoạt 42,6 tỉ đồng. Dung dùng một phần tiền chiếm đoạt được để trả nợ cho các chủ nợ trước. Còn lại, cô ta chia tiền lập thành gần chục quyển sổ tiết kiệm, khoe với mọi người trong gia đình đây là tiền lãi buôn bán bất động sản.

Kết cục buồn đến với cả 3 cô gái 8X Nguyễn Thị Họa My, Nguyễn Phượng Ly, Đặng Thị Kim Dung. Từ những cô gái trí thức, họ đã tự biến mình thành "siêu lừa" và phải trả giá đắt cho một phút cuồng vọng muốn kiếm tiền, làm giàu nhanh bằng con đường bất chính.