Dọc đường Láng, Trần Duy Hưng, Nguyễn Phong Sắc kéo dài..., cứ tối đến, những thảm cỏ xanh lại được chủ quán nước, gánh bánh ngô... tận dụng làm địa điểm kinh doanh. Từ 17 giờ, dọc đường Láng mọc lên san sát hàng bánh khoai, bánh chuối, nem chua, xúc xích rán. Không chỉ lấn chiếm vỉa hè, người bán còn kê thêm bàn ghế nhựa và chuẩn bị vài tấm chiếu ở khu vực thảm cỏ ngay gần đó để làm chỗ phục vụ khách. Theo chị Thịnh - người bán hàng ở đây - đa phần người bán hàng đều biết không được phép nhưng thấy quán nào cũng tận dụng kê bàn ghế, trải chiếu để khách ngồi ăn nên chị mới làm theo. "Quanh đây, hàng nào chẳng vậy. Vỉa hè chặt hẹp, kê cái bếp lò với gánh hàng đã hết chỗ, lại sát đường, nhiều bụi nên người ăn không thích, trong khi thảm cỏ phía sau vừa mát, lại rộng nên đông khách hơn", chị Thịnh giải thích. Không chỉ tận dụng để bán hàng, nhiều sạp mũ bảo hiểm, sách báo bán ở vỉa hè đường Láng còn tận dụng bãi cỏ xanh làm chỗ để thùng hàng, xe chở hàng. Họ giải thích, làm như vậy cho gọn và đỡ vướng lối đi người đi bộ. Các hàng nước trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài còn mở dịch vụ cho thuê chiếu, phục vụ đồ uống. Vừa có một đám sinh viên kéo vào, bác chủ quán tên Liên đon đả mời sang thảm cỏ ở phía đối diện, nằm trong khu vực dải phân cách giữa hai chiều xe cộ. "Các cháu ngồi đây nói chuyện, chơi trò chơi cho thoải mái nhé, thích ăn gì, uống gì, bác bê sang tận nơi cho", bác Liên vừa mời vừa lấy chiếu trải ra thảm cỏ. Giá thuê chiếu là 20.000 đồng mỗi giờ, đồ ăn, thức uống bao gồm trà đá, trà nóng tính theo cốc hoặc cả ấm, nước giải khát, hạt hướng dương, ô mai, bắp rang bơ... từ 2.000 đồng đến 20.000 đồng.
Mặc dù đã được phân cách với lối đi lại bởi chắn bằng sắt song nhiều chủ kinh doanh vẫn bày bàn ghế, rải chiếu trên cỏ, làm chỗ phục vụ khách hàng. Ảnh: Xuân Ngọc |
Theo chủ quán, xuất phát từ chính nhu cầu của người tiêu dùng mà những đám cỏ xanh trên đường phố được trưng dụng làm địa điểm kinh doanh nhiều như hiện nay. Bác Liên cho hay, đa phần các tốp sinh viên đến đây đều thích có không gian riêng, rộng, thoáng để tha hồ nói chuyện to, hò hát, chơi trò chơi chứ không ai muốn ngồi tụm năm, tụm ba quanh chủ quán để tâm sự cả. Nhờ địa thế đối diện ngay mấy thảm cỏ mà quán của bác đông khách hơn hẳn, ngoài tiền bán nước còn thu nhập thêm từ khoản cho thuê chiếu. Vào những buổi đông khách, nếu chỉ bán ở vỉa hè nhỏ, chật thì khó lòng đủ chỗ. Nhưng khi tận dụng kê thêm bàn ghế ở bãi cỏ thì với lượng người vào ăn tăng lên đến gấp đôi, gấp ba thì vẫn có đủ chỗ. Nhờ vậy, số tiền lãi thu về cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh trên các thảm cỏ đô thị đang gây không ít bức xúc. Anh Nguyễn Thành Nam, nhân viên IT ở Hà Nội chia sẻ, anh đi đâu cũng thấy quy định cấm giẫm chân lên cỏ nhưng không hiểu sao trên nhiều tuyến phố vẫn có nhiều hàng quán bày bán, ngồi trên cỏ. Theo anh Nam, những khu vực cây xanh, bãi cỏ được cắt tỉa rất đẹp lại xuất hiện mấy chiếc bàn, chiếc chiếu rồi nhiều người ngang nhiên ngồi ăn trên đó, trông rất phản cảm. Nhân viên của một công ty đô thị ở Hà Nội phàn nàn, mỗi lần đến cắt xén cỏ và tỉa cây, anh đều phải nhặt rác vương vãi trên đó. "Giẫm chân, ngồi lên nhiều sẽ khiến cỏ bị dập nát, đến lúc cắt tỉa rất khó. Đó là chưa kể đến việc lần nào đi làm tôi cũng quét được không ít que xiên mà mọi người ăn nem chua, xúc xích rán thải ra", nhân viên này cho biết. Trao đổi với PV, đại diện công an phường Láng Thượng xác nhận có hoạt động lấn chiếm thảm cỏ đô thị để kinh doanh như trên. Anh khẳng định việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thảm cỏ xanh để buôn bán là trái phép. Vị công an cho biết, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt, tịch thu nhiều lần nhưng những người bán hàng vẫn tiếp tục vi phạm. "Hàng quán, bàn ghế... kinh doanh trên thảm cỏ thu về chật cả sân công an phường. Sắp tới, chúng tôi sẽ xử lý mạnh tay hơn để điều này không tái diễn nữa, đảm bảo cảnh quan cho thành phố", vị đại diện nói.