Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh nghiệm quý từ TP Yokohama

Hằng Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, nền kinh tế Nhật Bản, trong đó có Yokohama bắt đầu bước vào một thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

Trong những thập niên đầu thời hậu chiến tranh, với sự gia tăng chóng mặt của dân số và tăng trưởng kinh tế bùng nổ, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, Yokohama đã phải đối mặt với những thách thức tương tự như nhiều nước đang phát triển hiện nay phải đương đầu: Rác thải, ô nhiễm không khí và nguồn nước, tắc đường, ngập úng…
 
Bằng chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả, Yokohama ngày nay đã trở thành một TP phát triển bền vững. Quá trình phát triển của Yokohama có thể được xem như một hình mẫu cho các TP tại các quốc gia đang phát triển trong việc giải quyết các thách thức đô thị.

Theo Giám đốc Cục Sáng tạo Môi trường TP Yokohama Nomura Norihiko, vào khoảng năm 1951, Yokohama chỉ có khoảng 1 triệu người nhưng hiện tại dân số đã lên đến 3,7 triệu người, tăng gần gấp 4 lần. Đặc biệt vào thập niên 1960 - 1970, dân số tăng 100.000 người/năm. Con số này đã khiến vấn đề xử lý nước thải từng trở thành thách thức đối với Yokohama. Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển kinh tế song song với tái tạo môi trường, TP Yokohama luôn ý thức được 3 giá trị: Môi trường, kinh tế và xã hội là điều quan trọng. Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi nỗ lực này cả trong và ngoài nước. Tiếp cận nguồn lực và tư duy quan điểm phong phú từ nước ngoài để sáng tạo ra các giá trị mới, nâng cao chất lượng và làm phong phú cuộc sống con người.

“Hiện nay, TP đã có 11 nhà máy xử lý nước thải và một hệ thống ống dẫn nước thải dài 11.000km, bằng với quãng đường từ Yokohama sang Mỹ. Sau quá trình xử lý tại các nhà máy, nước thải thành nước sạch, được khử trùng và đổ ra sông hoặc biển. Phần bùn cặn thu được sau quá trình xử lý được đem đốt. Khí phát ra từ việc đốt bùn cặn được dùng làm nhiên liệu phát điện, trong khi phần tro có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất xi măng” - ông Nomura Norihiko cho hay.