Kinh tế Hà Nội những tháng cuối năm: Nỗ lực cao nhất để thực hiện nhiệm vụ kép

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành đã tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng.

Với tình hình dịch bệnh phức tạp, TP Hà Nội quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
 Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Khó khăn, thuận lợi đan xen
Báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 51 nghìn tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020 đạt 370,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, doanh thu khách sạn, nhà hàng 8 tháng đạt 33,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 9% tổng mức và giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước, do lượng khách du lịch và nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng giảm sút; doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 54,5%, ăn uống giảm 9,4%. Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng mức và giảm 42,2% so với cùng kỳ năm trước do lượng khách đi du lịch giảm mạnh so với cùng kỳ.
Hoạt động vận tải cũng giảm mạnh, số lượt hành khách vận chuyển đạt 193,7 triệu lượt hành khách, giảm 12,4% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển giảm 13,8%; doanh thu đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, giảm 12,9%.
Trong tháng 8, dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương hàng hóa. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 1.509 triệu USD, giảm 4,3% so với tháng trước và giảm 13,5% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 9.940 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18,8 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ.
Tổng thu NSNN 8 tháng mới đạt 147 nghìn tỷ đồng, bằng 56,4% dự toán và giảm 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ nội địa sản xuất kinh doanh đạt 135,3 nghìn tỷ đồng, đạt 52,4% và giảm 14,1% do hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn chồng chất khó khăn.
Dù vậy, kinh tế vẫn có những điểm sáng. Sản xuất công nghiệp vẫn giữ được nhịp độ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng năm 2020 tăng 4,1% so với cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng lớn 96,5% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) tăng 4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%. Nhiều ngành dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như dịch vụ y tế, tài chính ngân hàng…
Trong bối cảnh cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang đối phó với dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp thì công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là một điểm sáng tích cực. Tình hình đầu tư nước ngoài cũng khởi sắc. Lũy kế 8 tháng năm 2020, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI cấp phép mới và dự án bổ sung vốn đạt 1,667 tỷ USD. Hà Nội cũng là địa phương đứng thứ hai trong cả nước về thu hút FDI, chiếm gần 14,6% tổng vốn đầu tư.
Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế
Đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều quốc gia và TP trên thế giới đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm… Trong hoàn cảnh như vâỵ, TP xác định, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020 còn nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi triển khai kế hoạch từng ngành phải cụ thể, chính xác và hoàn chỉnh. Các sở, ban, ngành và từng địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của TP về “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
TP cũng đề ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện. Trong đó, tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ 17; Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Thực hiện nghiêm, hiệu quả chủ đề công tác năm 2020 của TP...
TP sẽ nỗ lực cao nhất, phấn đấu cả năm 2020 giải ngân đạt 100%. Trong đó, đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình giao thông trong danh mục các dự án trọng điểm của TP giai đoạn 2016 -2020. Sử dụng hiệu quả NSNN, tiếp tục thực hiện cắt giảm 10% chi thường xuyên của những tháng cuối năm để dành nguồn triển khai các chương trình, kế hoạch trọng tâm.
Hiện hàng hóa xuất khẩu còn gặp khó khăn sau đại dịch, Sở Công Thương đã xây dựng 18 chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là hàng Việt trong cuối quý II, đầu quý III. Các hoạt động kết nối cung - cầu trong chương trình hợp tác "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP những tháng cuối năm 2020, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN sau đại dịch Covid-19.
Về phía các DN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, DN đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, đồng hành cùng TP, chia sẻ khó khăn. Ngoài ra cũng cần chủ động cân nhắc những biện pháp ứng phó khác nhau, hỗ trợ các DN khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn. 

Cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, TP đã triển khai chi trả hỗ trợ theo Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 12/5/2020 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 18/8/2020 đã có 111,3 nghìn người được phê duyệt hỗ trợ với tổng kinh phí là 112,5 tỷ đồng; 3,7 nghìn hộ được phê duyệt hỗ trợ với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng; Tiếp tục thực hiện chi trả cho 5 nhóm đối tượng được thụ hưởng theo quy định. Bên cạnh đó, TP cũng chú trọng bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Đồng thời triển khai bình ổn thị trường với lượng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch bệnh.


Chính phủ cùng các địa phương đồng hành với tất cả DN, người dân trong các lĩnh vực từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ, hỗ trợ DN tìm kiếm cơ hội trong nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, DN cần chuẩn bị sẵn tâm thế "trường kỳ kháng chiến," tinh gọn bộ máy để giảm chi phí tối đa, tái cơ cấu, tìm cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động. (Chuyên gia Võ Trí Thành)