Dù Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in vẫn dự báo GDP sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, nhưng tác động từ những bất ổn địa chính trị gần đây lên ngành du lịch nước này đã có thể thấy rõ. Trong tháng 7, số lượng khách du lịch đến đã giảm đến 40% so với tháng trước đó, theo số liệu của Tổ chức du lịch Hàn Quốc. Số lượng khách Trung Quốc giảm sâu nhất do tranh cãi quanh quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) của Mỹ, khiến Hàn Quốc thiệt hại 4,7 tỷ USD.
Còn theo đánh giá sức tăng trưởng trong quý II/2017 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc đã bị tụt 10 bậc so với quý trước. Cụ thể, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đạt tốc độ tăng trưởng 0,6% trong quý II, giảm so với mức tăng 1,1% của quý I. Kết quả này đã đẩy Hàn Quốc từ vị trí thứ 8 xuống vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng sức tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên OECD trong quý II. Nguyên nhân chính là do các lo ngại trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên vừa thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon khẳng định, không dễ gì sớm tìm ra một giải pháp cho vấn đề CHDCND Triều Tiên, vì vậy chắc chắn thị trường tài chính Hàn Quốc sẽ phải chịu tác động lâu dài.
Hiện, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ khoảng 33% tổng lượng chứng khoán Hàn Quốc và 13% trong tổng số trái phiếu Chính phủ phát hành bằng ngoại tệ. Vì vậy, bất kỳ động thái lo ngại nào của các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính Seoul. Tính đến hiện tại, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm hoảng sợ mà bán mạnh chứng khoán Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới đầu tư và chuyên gia đang kỳ vọng Chính phủ Hàn Quốc sẽ sớm tăng dự trữ ngoại tệ để có thêm một “lá chắn” giảm biến động thị trường và bảo vệ thị trường khỏi những cú sốc, chuyên gia kinh tế trưởng tại Nomura International Hong Kong Kwon Young-sun nhận định.