Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Hàn Quốc: Nỗ lực thoát “bóng” các chaebol

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu mới được Cơ quan Hải quan Hàn Quốc công bố, xuất khẩu (XK) - lĩnh vực chiếm khoảng một nửa nền kinh tế của nước này chỉ đạt 22,45 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đánh dấu giai đoạn sụt giảm dài kỷ lục 20 tháng liên tiếp kể từ tháng 1/2015.

Hàng hóa được xếp chồng lên nhau tại cảng Uiwang, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg
Hàng hóa được xếp chồng lên nhau tại cảng Uiwang, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg
 Trước đó, trong tháng 7, XK của Hàn Quốc đã sụt giảm trong 19 tháng liên tiếp, đánh dấu giai đoạn giảm dài nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được thu thập vào năm 1970. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là do sự giảm sút của thương mại toàn cầu và tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc của các đối tác, nhất là các bạn hàng truyền thống. Điển hình như kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc và Mỹ - 2 đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc đã lần lượt giảm 3,4% và 4,4%. XK sang thị trường Liên minh châu Âu cũng giảm tới 9,1%.

Việc đồng Won tăng giá mạnh so với đồng USD cũng khiến hàng hóa của Hàn Quốc đắt đỏ hơn so với các nước khác, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Trên thực tế, kim ngạch XK ô tô - mặt hàng chủ lực của Hàn Quốc đã giảm 3,3% trong khi tivi màn hình phẳng - sản phẩm từng giúp Hàn Quốc định vị chỗ đứng trên thị trường tiêu dùng toàn cầu đã giảm tới 14%, buộc nhiều tập đoàn phải tiến hành chiến dịch tái cơ cấu khắc nghiệt. Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á còn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ sự tăng trưởng thần kỳ của ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc và sự phục hồi XK của Nhật Bản. Nhiều chuyên gia lo ngại, hàng hóa của Hàn Quốc sẽ nhanh chóng bị thay thế bằng sản phẩm của “siêu cường sản xuất hàng nhái”.

Sự phụ thuộc quá nhiều vào các chaebol - những tập đoàn tài phiệt như Lotte, Samsung, Hyundai… cũng là một “tử huyệt” của nền kinh tế Hàn Quốc. Hàng loạt vụ bê bối lập quỹ đen, hối lộ, đấu đá tranh quyền của tập đoàn Lotte, Posco, Samsung khiến người tiêu dùng trong nước đòi “tẩy chay” sản phẩm của các “ông lớn” này và làm nhà đầu tư phải cẩn trọng hơn khi rót thêm tiền cho các chaebol. Trong một nỗ lực nhằm thoát khỏi cái “bóng” của các chaebol, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách tái cơ cấu khắc nghiệt, buộc hơn 4.700 lao động thuộc 10 tập đoàn lớn phải nghỉ việc, gây nên làn sóng phản ứng dữ dội. Điều đáng nói là sự sụt giảm của XK và giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc tác động khá lớn tới các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Bởi, hiện có rất nhiều DN Hàn Quốc đặt dây chuyền sản xuất, thuê nhân công Việt Nam.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, chính quyền Seoul đã quyết tâm thực hiện một chiến lược hai chiều: Một mặt tiến hành tái cơ cấu các DN yếu kém, mặt khác bổ sung hơn 7,65 tỷ USD trợ cấp cho hoạt động thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hỗ trợ của Chính phủ chỉ giải quyết được những khó khăn trước mắt của XK và về cơ bản, giải pháp này không làm tăng sức cạnh tranh cho lĩnh vực này. Vì thế, đã đến lúc Hàn Quốc phải tập trung đầu tư vốn, chính sách cho các ngành tạo động lực tăng trưởng trong tương lai như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và hàng tiêu dùng.