KTĐT - Tại Nhật Bản, không hiếm các ông cụ tuổi thất thập lai hy vẫn ngày ngày đến nhiệm sở để làm việc. Đây là một trong những thuận lợi đối với nước này trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Nền kinh tế Nhật Bản đang loay hoay chưa tìm được lối thoát trong mối nguy giảm phát và khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, nếu so với những nước cùng cảnh ngộ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, quốc gia châu Á này vẫn có nhiều thuận lợi.
Một trong số các thuận lợi đó là Nhật Bản sở hữu một lực lượng lao động chăm chỉ, cần mẫn, dù đến tuổi thất thập vẫn chưa chịu nghỉ hưu, đặc biết là cánh nam giới.
Theo số liệu thống kể ở Nhật từ 2008, Forbes cho biết có tới 92,5% nam giới tuổi từ 55 đến 59 vẫn có mặt trong lực lượng lao động. Con số này cao hơn rất nhiều so với 74,2% tại Liên minh châu Âu.
Khoảng cách càng lớn khi so sánh ở độ tuổi 60 - 64, với hai tỷ lệ lần lượt là 76,4% và 42% ở Nhật và EU. Thậm chí các "bô lão" Nhật Bản tuổi từ 70 đến 74 vẫn hăng hái đến cơ quan hằng ngày. Ở độ tuổi này, trong khi chỉ 5,4% nam giới ở châu Âu còn đi làm, thì tại Nhật tỷ lệ này là 30,5%.
Nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ công để tìm hiểu về "hiện tượng lạ" tại đất nước mặt trời mọc. Có ý kiến cho rằng sự thất vọng về tình hình kinh tế, xã hội khiến những người già đi làm để cảm thấy khuây khỏa, tìm niềm vui. Bên cạnh đó, lâu nay người Nhật vẫn nổi tiếng là cần cù hơn so với các dân tộc khác ở châu Âu. Ngoài ra, tuổi thọ trung bình thuộc hàng "top" thế giới cũng giúp cho người già Nhật đủ sức khỏe để tiếp tục đến cơ quan dù đã lên lão.
Nếu như các nhà kinh tế xã hội Nhật đang lo ngại với tình trạng thiếu hụt lao động trẻ vì dân số ngày càng già đi, họ có thể cảm thấy được an ủi phần nào với sự cần mẫn của tầng lớp lao động lớn tuổi.
Theo như Giáo sư Thomas Sowell (Mỹ) đã viết trong ấn bản thứ tư của cuốn "Basic Economics" thì "Không chỉ tuổi nghỉ hưu của các nước khác nhau, mà mức lương hưu cũng rất khác nhau tại từng quốc gia". Trong khi ở Mỹ, người nghỉ hưu nhận được trợ cấp bằng 40% mức lương họ từng có, thì ở Nhật, con số này thấp hơn 40%. Tại các nước châu Âu, lương hưu cao khiến người già không cần phải lo lắng về cuộc sống sau khi "về vườn". Người về hưu ở Hà Lan, Tây Ban Nha nhận được số tiền bằng 80% thu nhập và ở Hy Lạp, tỷ lệ này là 96%.
Giáo sư Sowell kết luận: "Không còn nghi ngờ gì nữa, mức lương hưu ảnh hưởng đến quyết định thời điểm nghỉ hưu của người lao động".