Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng trong năm 2014

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 21/12 cho biết kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,4% trong tài khóa 2014 nhờ nhu cầu trong nước trong khi lạm phát đạt 1,2% ngoại trừ những tác động của việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4/2014.

Dự báo tăng trưởng của Chính phủ nước này trong điều kiện thực tế thấp hơn so với mức tăng trưởng dự kiến 2,6% của năm 2013, cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này sẽ vẫn trên đà phục hồi bất chấp những lo ngại rằng việc tăng thuế từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 sẽ giáng một đòn mạnh vào tiêu dùng và đầu tư.
Người dân xếp hàng mua thực phẩm tại một cửa hàng ở Tokyo.
Người dân xếp hàng mua thực phẩm tại một cửa hàng ở Tokyo.
Dự báo về giá của Chính phủ cũng cho thấy tín hiệu chấm dứt gần hai thập kỷ giảm phát nhờ chính sách tiền tệ siêu lỏng của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ).

Theo ước tính mới nhất của mình, BOJ dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 1,3% trong năm 2014.

Với chương trình kích thích tiền tệ quy mô lớn ra hồi tháng 4/2014, ngân hàng trung ương đang hướng đến tỷ lệ lạm phát khoảng 2% trong khoảng hai năm.

Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài chính Akira Amari, hiện đang phải nhập viện để điều trị ung thư lưỡi giai đoạn sớm, từng khẳng định suy giảm kinh tế có thể xảy ra do tăng thuế là một mối lo ngại song kinh tế Nhật Bản “sẽ tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh” trong tài khoá 2014, bắt đầu từ ngày 1/4/2014.

Với việc giá cả tăng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Nhật Bản sẽ tăng 3,3%, tăng so với mức 2,5% trong năm tài chính hiện nay tính đến hết ngày 31/3.

Chỉ số giảm phát GDP, một thước đo về giá có quy mô lớn hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dự kiến sẽ tăng 0,5% ngay cả khi tác động của việc tăng thuế tiêu dùng đã được loại trừ.

GDP danh nghĩa của Nhật Bản ước đạt 500.400 tỷ yen vào năm 2014, tăng 16.200 tỷ yen so với con số dự kiến cho năm 2013.

Đây sẽ là lần đầu tiên trong bảy năm, GDP danh nghĩa chạm ngưỡng 500.000 tỷ yen, trở lại với mức của trước năm 2008, thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nếu dự báo thành được thực hiện, lần đầu tiên trong 17 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng GDP danh nghĩa vượt qua tỷ lệ tăng trưởng thực tế đã điều chỉnh lạm phát.

Dự báo tăng trưởng sẽ được dùng để tính toán lợi nhuận từ thuế phục vụ cho công việc soạn thảo ngân sách cho năm 2014.

Nội các Nhật Bản dự định sẽ thông qua gói ngân sách ban đầu năm 2014 vào ngày 24/12 tới.

Trong bối cảnh lợi nhuận của các công ty đang cải thiện, Chính phủ Nhật Bản cho biết chi tiêu đầu tư của doanh nghiệp - một trụ cột trong chiến lược tăng trưởng của Thủ tướng Shinzo Abe - sẽ tăng thực tế 4,4%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,4% trong năm 2013.

Tuy nhiên, chi cho tiêu dùng dự kiến sẽ chỉ tăng 0,4% sau khi tăng thuế, so với mức 2,5% của tài khoá 2013 và đầu tư cho nhà ở có thể sẽ giảm 3,2%, sau khi vọt lên 7,3%.

Xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 5,4% so với 4% của năm nay nhờ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Mặt khác, nhập khẩu dự kiến sẽ tăng 3,5%, giảm so với mức 4,2% dự kiến trong năm 2013, điều này có nghĩa là cán cân thương mại của Nhật Bản sẽ cải thiện đôi chút.

Nhật Bản chắc chắn sẽ phải chịu mức thâm hụt thương mại kỷ lục trong năm 2013 do đồng yen giảm giá và gia tăng về nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch dùng cho nhiệt điện vì tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở nước này đang ngừng hoạt động.

Chính phủ Nhật Bản cũng dự tính tỷ giá hối đoái giữa USD và yen sẽ ở mức 100 yen đổi 1 USD trong năm 2014, ít có thay đổi so với tỷ lệ 99,2 yen/USD của năm 2013.

Liên quan đến tình hình việc làm, chính phủ nước này cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm xuống 3,7% năm 2014 so với 3,9% trong năm nay.

Với nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế của việc tăng thuế, nội các Nhật Bản đã thông qua gói kích cầu kinh tế trị giá 5.500 tỷ yen hôm 5/12, cam kết sẽ tạo ra ít nhất 250.000 việc làm.

Văn phòng Nội các Nhật Bản ước tính gói kích cầu mới nhất này có thể sẽ thúc đẩy GDP tăng tới 0,7% theo giá trị thực tế.