Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Nhật Bản vẫn “ổn” sau tăng thuế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tuần sau khi áp dụng mức thuế tiêu dùng mới là 8% thay vì 5% như trước, Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) đã thực hiện đợt tổng kiểm tra "sức khỏe" nền kinh tế.

Vượt qua những lo ngại ban đầu, sự chủ động của Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản đã giúp nền kinh tế thứ ba thế giới vẫn “ổn” sau đợt tăng thuế.

Theo kế hoạch, lộ trình tăng thuế tiêu dùng gồm hai giai đoạn, trong đó nguồn thu từ giai đoạn thứ nhất dùng để trang trải chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang già đi. Trong khi đó, giai đoạn tăng thuế tiêu dùng thứ 2 lên 10% vào tháng 10/2015 nhằm mục tiêu giảm một nửa thâm hụt ngân sách và tiến tới thặng dư vào năm 2020. Chính phủ Nhật Bản ước tính, nguồn thu từ việc tăng thuế sẽ đóng góp khoảng 48 tỷ USD vào ngân sách tài khóa 2014 và 8.000 tỷ Yen/năm sau tài khóa 2015.
Người dân Nhật Bản phải cân nhắc kỹ hơn trong chi tiêu sau khi tăng thuế.           Ảnh: AP
Người dân Nhật Bản phải cân nhắc kỹ hơn trong chi tiêu sau khi tăng thuế. Ảnh: AP
Về mặt lý thuyết, việc tăng thuế lần đầu tiên sau 17 năm là không thể tránh khỏi trong bối cảnh nợ công Nhật Bản đã hơn 260% GDP và huy động thêm 8.000 tỷ Yen/năm cho nền kinh tế. Tuy đã có sự chuẩn bị nhưng các chuyên gia cho rằng, động thái này có thể tạo ra những biến động nhất định cho chính trường, thị trường Nhật Bản. Những người ủng hộ cho rằng, chính sách sẽ giúp Chính phủ chi trả cho các khoản nợ, đảm bảo ngân sách cho phúc lợi. Số khác thì cho rằng, động thái này sẽ phá cơ hội hồi phục của nền kinh tế đã chìm trong giảm phát suốt nhiều năm qua. Hiện, chi tiêu của các hộ gia đình chiếm đến 60% GDP nên nếu túi tiền của người dân bị đụng chạm, việc hạn chế chi tiêu sẽ nhanh chóng tác động đến nền kinh tế.

 Theo Bloomberg, việc tăng thuế sẽ khiến nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm lại trong quý II trước khi tăng trở lại 2,1% vào quý III. Các tập đoàn lớn như Kirin, Sony, Sharp đã có kế hoạch đối phó với nhu cầu tiêu dùng suy giảm bằng cách tung ra các chương trình khuyến mại để khách hàng mua càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, Toyota Motor sẽ cắt giảm sản xuất nội địa khoảng 5% trong năm nay, do dự đoán nhu cầu trong nước giảm vì tăng thuế. Để tránh đi vào vết xe đổ của đợt tăng thuế năm 1997, Chính phủ Nhật Bản sẽ áp dụng nhiều biện pháp như ngoài gói kích thích tung ra vào tháng 7 tới, giới chức nước này sẽ đẩy nhanh chi tiêu công.

Rõ ràng, những tác động của quyết định tăng thuế tiêu dùng không phải là không có nhưng nó sẽ thể hiện được sức mạnh thực sự của nền kinh tế Nhật Bản. Trên thực tế, những biện pháp đồng bộ và mạnh tay này đã góp phần tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào "sức khỏe" của nền kinh tế Nhật Bản khi thị trường chứng khoán tuần qua không có biến động gì lớn.