Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Trung Quốc là trung tâm trên bàn nghị sự Davos

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, lãnh đạo và DN hàng đầu thế giới tập trung ở Davos, Thụy Sĩ trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với chủ đề "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" từ ngày 20 -23/1.

Phát triển từ một nhóm nhỏ hoạt động từ thập niên 1970, mỗi kỳ WEF hiện nay đã có hơn 2.500 người tham dự, với gần một nửa là lãnh đạo các tập đoàn lớn cùng hơn 40 nguyên thủ thế giới.
An ninh được thắt chặt tại Davos trong bối cảnh hàng chục nguyên thủ quốc gia tham dự WEF.
An ninh được thắt chặt tại Davos trong bối cảnh hàng chục nguyên thủ quốc gia tham dự WEF.
Năm nay, bên cạnh những tỷ phú như Bill Gates, Jack Ma, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và người đồng cấp Canada Justin Trudeau…, những nhân vật có sức ảnh hưởng như tài tử Leonardo DiCaprio, Bono cũng xuất hiện. Các chủ đề sau dự kiến sẽ làm nóng bàn nghị sự năm nay.

Lại là Trung Quốc

Năm 2016 khởi đầu với nhiều biến động trên các thị trường chứng khoán, tiền tệ và dầu. Sự lo ngại lớn nhất của các nền kinh tế hiện nay chính là Trung Quốc. Sau khi tăng trưởng “nóng” gần 10% GDP trong 10 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, kinh tế Trung Quốc đã chững lại, đồng thời kéo lùi các nền kinh tế mới nổi. Phó Chủ tịch Ủ ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc - Fang Xinghai sẽ cập nhật tình hình của nền kinh tế thứ 2 thế giới, cùng với giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Jack Ma, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cũng sẽ có mặt. Theo trang Financial Times, câu chuyện kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ chi phối những buổi bàn thảo trong khuôn khổ hội nghị năm nay

 Với giá dầu quanh quẩn ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm, thời gian qua, Bộ trưởng năng lượng Các tiểu vương quốc Ả Rập và Kuwait sẽ công khai về tình hình kinh tế. Ít nhất 10 thống đốc các Ngân hàng T.Ư trên thế giới cũng sẽ tìm ra những giải pháp hỗ trợ kinh tế toàn cầu.

Khủng hoảng di cư

Các lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan nhân đạo thế giới sẽ bàn luận về kế sách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và tái hòa nhập cộng đồng này tại những quốc gia tị nạn.

Lãnh đạo các quốc gia Trung Đông sẽ bàn thảo việc hàng triệu người rời quê hương, vượt qua Địa Trung Hải trong mùa đông giá lạnh để tới Lục địa già. Các nhà ngoại giao châu Âu cũng xem xét đâu là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này.

Trong Diễn đàn lần này, các phái đoàn tham gia sẽ được dành vài giờ để trải nghiệm cuộc sống như một người di cư thực thụ. Đây là “truyền thống” của Davos. Những người từng trải qua cảnh tị nạn cũng chia sẻ những câu chuyện của mình. Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ không xuất hiện tại sự kiện năm nay, khi đang trong tâm bão chỉ trích về những chính sách di cư, thay vào đó là Tổng thống Joachim Gauck.

Biến đổi khí hậu

WEF năm nay cũng hy vọng đóng góp thêm vào thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris đạt được hồi tháng 12 năm ngoái, thông qua việc kết nối các chính quyền và DN trong việc cắt giảm phát thải nhà kính.

Một khảo sát rủi ro thường niên mới cho thấy biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất tới kinh tế thế giới. Đây là lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, vấn đề môi trường lọt top lo ngại hàng đầu của thế giới cũng như tại Davos năm nay.

Châu Âu nhiều vấn đề

Sự hỗn loạn của khu vực Trung Đông và các thị trường đã làm lu mờ tầm quan trọng của vấn đề nợ công châu Âu trên bàn nghị sự. Năm ngoái vào thời điểm này, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn đang trong quá trình thỏa thuận gói cứu trợ thứ 3 đầy chật vật. Trong năm nay, ông sẽ cùng với bà Lagarde bàn các điều kiện để được giảm nợ.

Giám đốc Ngân hàng T.Ư châu Âu Mario Draghi sẽ đánh giá riêng về tình hình kinh tế châu Âu vào sáng 22/1 (giờ địa phương). Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến sẽ có bài trình bày về tư cách thành viên của nước này trong Liên minh châu Âu (EU).

Bất bình đẳng

Với sự góp mặt của tầng lớp thượng lưu trên toàn cầu, Davos là cơ hội tuyệt vời để bàn luận về vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo. Tổ chức Oxfam đã khuấy động chủ đề này tiền Davos 2016 với báo cáo cho thấy 1% tỷ phú lớn nhất thế giới đã giàu hơn 99% dân số toàn cầu còn lại, trong khi năm ngoái, hai nhóm nắm giữ lượng tài sản bằng nhau.