Khơi dậy nguồn lực kinh tế tư nhân Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô VinFast (thuộc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VinFast - Tập đoàn Vingroup) tại khu công nghiệp Đình Vũ, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng ngày 14/6 vừa qua đánh dấu bước phát triển mới của KTTN Việt Nam.VinFast là công ty thành viên của Vingroup - một trong những Tập đoàn KTTN đa ngành lớn nhất châu Á với giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 16 tỷ USD. Cùng với việc làm chủ chuỗi giá trị sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam, VinFast còn xác lập kỳ tích mới trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, với 21 tháng hoàn tất việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất để đi vào sản xuất hàng loạt.Trước đó, VinFast cũng đã xác lập các kỷ lục thế giới về việc khánh thành nhà máy sản xuất xe máy điện và phát triển thành công 3 mẫu xe ô tô Sedan, SUV và xe cỡ nhỏ chỉ trong vòng 12 tháng. Song song với kỷ lục về tiến độ triển khai dự án, VinFast đã lập kỳ tích mới trên thị trường ô tô, với 10.000 đơn đặt hàng trước khi có xe thực tế một năm.
“Việc nhà máy chỉ mất hơn 600 ngày để hoàn thành cho thấy sự phát triển vượt bậc của ngành ô tô, thể hiện ước mơ làm giàu của DN và khát vọng của cả quốc gia. Thành công của VinFast không chỉ đối với Tập đoàn Vingroup mà còn đối với cả ngành ô tô trong nước. VinFast đã chứng minh KTTN là động lực quan trọng của nền kinh tế” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự lễ khánh thành đã khẳng định.Trong những năm gần đây, GDP Việt Nam luôn tăng trưởng với các con số ấn tượng. Thành quả này có sự góp công rất lớn từ KTTN khi đóng góp gần 50% GDP. Dòng chảy phát triển của khu vực tư nhân qua mỗi thời kỳ đều gắn chặt với nhiều tên tuổi. Nếu như thời kỳ đầu, người ta nhắc đến kem đánh răng Dạ Lan, giày dép Biti's, nước rửa chén Mỹ Hảo, bánh Kinh Đô... thì hiện giờ, đó là những cái tên như Vietjet Air, VinGroup, FPT, Hòa Phát, VP Bank, TH True Milk, Thế giới di động, Trung Nguyên... Sự lớn mạnh của những DN này đã góp phần đưa Việt Nam tăng tốc trên bản đồ kinh tế thế giới.Đặc biệt, đã có 5 doanh nhân Việt được xếp hạng tỷ phú USD theo thống kê của Forbes, trong khi nhiều doanh nhân khác cũng đang vươn lên để có mặt ở danh sách này. Còn trên sàn chứng khoán đã có 32 công ty vốn hóa hơn 1 tỷ USD.Các DN tư nhân đã và đang liên tục tăng trưởng cả về quy mô, tiềm lực kinh tế tài chính và khẳng định vị thế trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế. Như ngành hàng không đã có sự tham gia của Vietjet, Bamboo Airways... Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số (khoảng 29%). Hay như 147 dự án PPP với 52 tỷ USD vốn đầu tư cho đến nay đã góp phần cải thiện rõ rệt bộ mặt của cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Vingroup cũng đã dành nguồn lực lớn để mời các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam tại nước ngoài trở về quê hương triển khai các dự án về trí tuệ nhân tạo - điều đó chắc chắn sẽ nâng tầm cho khoa học Việt Nam với thế giới… DN tư nhân còn là nhân tố quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, hình thành nên những cụm liên kết. Qua đó, tạo hiệu quả chung cho nền kinh tế, góp phần tích cực đến sự tăng trưởng GDP bền vững, tăng thu nhập của người lao động.Việt Nam hiện có khoảng 600.000 DN, trong đó có trên 500.000 DN tư nhân. Trong số này có tới hơn 96% là DNNVV, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn. Thông tin được hãng kiểm toán và tư vấn DN Grant Thornton Việt Nam đưa ra trong báo cáo về Triển vọng đầu tư tư nhân 2019 vừa công bố, Việt Nam là 1 trong 4 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất Đông Nam Á. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cũng được đẩy mạnh trong năm 2018, trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn và sôi động bậc nhất Đông Nam Á chỉ sau Singapore.Còn nhiều dư địaNhiều dự báo rất lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2020 đã nhận định KTTN chính là năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế, các DN tư nhân sẽ có quy mô lớn mạnh hơn.Số DN mới thành lập năm sau nhiều hơn năm trước, nguồn lực trong dân đưa vào kinh doanh đạt hàng triệu tỷ đồng mỗi năm, phong trào quốc gia khởi nghiệp thu hút nhiều người trẻ có hoài bão, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể cũng đang tạo doanh thu lớn hơn, giải quyết công ăn việc làm nhiều hơn…Vai trò của KTTN đang ngày một quan trọng. Từ chỗ chỉ là "một trong những động lực", nay KTTN đã được nâng lên là "một động lực quan trọng" của nền kinh tế. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung, chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, khối DN tư nhân sẽ tự tìm các cơ hội để tăng trưởng, phát triển và bứt phá, cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài khi các hiệp định kinh tế đa phương, song phương mới có hiệu lực.Do đó, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, điều cấp thiết lúc này là cải thiện mạnh mẽ hơn nữa thể chế kinh tế, dỡ bỏ hết rào cản về thủ tục, giảm chi phí kinh doanh để tăng sức cạnh tranh cho DN tư nhân. Hàng loạt những chương trình hành động cụ thể đã được thực thi một cách rốt ráo, quyết liệt với định hướng quan trọng là phát triển mạnh KTTN; kiến tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mọi thành phần kinh tế phát triển.Theo Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm qua, Việt Nam đã cắt giảm được 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành… Thế nhưng cộng đồng DN kỳ vọng, việc cải cách hành chính sẽ được tiến hành mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, từng bước cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, hỗ trợ khu vực KTTN tiến nhanh hơn và xa hơn. Khi đối thoại với các DN tại Diễn đàn KTTN mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn KTTN đóng góp 60% GDP, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn để giảm chi phí cho DN (như chi phí bến bãi, lãi vay ngân hàng, một số chi phí không chính thức, chi phí giao thông vận tải, logistic…), kêu gọi DN tư nhân đầu tư vào tất cả lĩnh vực pháp luật không cấm. “Chúng ta mở ra chương trình đầu tư mới cho tư nhân trong tất cả các lĩnh vực quan trọng đất nước đang thiếu vốn, đang kêu gọi phát triển” - Thủ tướng nêu rõ.Nội lực có, dư địa có, nếu chúng ta tiếp tục cải thiện mạnh mẽ để tạo ra môi trường đầu tư bình đẳng, thông thoáng, chắc chắn khối tư nhân sẽ nhanh chóng bứt phá, trở thành một trong những trụ cột cho nền kinh tế.
Theo Grant Thornton Việt Nam, KTTN được dự báo sẽ trở thành một trong 4 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, đặc biệt là khối các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ. Và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang là xu hướng, bao gồm Công nghệ tài chính (Fintech), Thương mại điện tử, Giáo dục trực truyến, Công nghệ du lịch (travel Tech). |