Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam năm 2017: Những con số kỷ lục

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể coi 2017 là một năm đặc biệt, kinh tế trong nước chứng kiến nhiều tăng trưởng vượt bậc về số lượng cũng như sự cải thiện về chất lượng. Hành động quyết liệt của Chính phủ đã góp phần tạo ra những động cho lực phát triển mới.

Chất lượng tăng trưởng nâng lên
Năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành toàn diện và vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,7%) và là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2011 - 2017. Đây là một dấu mốc đáng nhớ, vì kể từ năm 2009 đến nay (ngoại trừ năm 2010) thì tăng trưởng đều dưới con số 6,7% và là mức tương đối cao số với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Bội chi sau 10 năm liên tục “phá trần”, năm 2017 được giữ ở mức dưới 3,5% (3,42%). Dự trữ ngoại hối đạt 47 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất khu vực, nằm trong số 5 thị trường tăng trưởng hàng đầu thế giới. VN Index vượt mốc 950 điểm, cao chưa từng có trong 10 năm trở lại đây. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt xấp xỉ 66% GDP, gấp hai lần năm 2015.
 Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Samsung Việt Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước phát triển, dần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây (2015 tỷ lệ này là 38,7%, 2016 là 38,9%, ước tính 2017 là 40,6% ). 2017 là năm mà số DN thành lập mới và số vốn đăng ký đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Trong năm 2017, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 153.307 DN. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đạt mức kỷ lục, với gần 36 tỷ USD, xấp xỉ tăng 45% so với năm 2016, số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.

Ngoài ra, năm 2017 là năm ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 420 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước 214 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tính chung cả năm 2017, Việt Nam đã xuất siêu 2,7 tỷ USD. Xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế; Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tăng 5 hạng, từ 60 lên 55/137. Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, Việt Nam đã từ vị trí 59/128 năm ngoái lên vị trí 47/127 nền kinh tế, tăng 12 bậc. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số này trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.

Nhìn về dài hạn, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Cơ cấu nền kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực, trong đó giảm dần tỷ trọng của nông nghiệp và tăng tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Có thể nói, vai trò của Nhà nước kiến tạo bước đầu phát huy hiệu quả. Các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành tới 14 nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên phần lớn các lĩnh vực... Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tình hình chính trị, xã hội ổn định. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là đã tổ chức thành công Năm APEC 2017. Vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên.

Chính phủ tiếp tục kiến tạo để thích ứng trong năm 2018

Tăng trưởng kinh tế "thần kỳ" đã đưa Việt Nam vượt mọi dự báo và vượt mục tiêu kỳ vọng. Năm 2018 sẽ hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% so với năm 2017. Báo cáo dự báo năm 2018 tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại tiếp tục được duy trì, song không nhiều như năm 2017. Giá cả hàng hóa thế giới sẽ ít biến động, chính sách tiền tệ dần thắt chặt, chính sách tài khóa tiếp tục chú trọng cải cách thuế và kiểm soát chi tiêu. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể chịu tác động từ xu thế bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, nét mới trong công tác hoạch định kế hoạch là xác định mục tiêu theo cách linh hoạt, dự phòng những diễn biến khó lường, thiên tai có thể xảy ra bất ngờ, kéo lùi tốc độ tăng trưởng GDP.
 
Thực tế cũng cho thấy, chưa thể kỳ vọng vào sự đột phá về năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Lợi thế về lao động giá rẻ đang mất đi nhanh chóng do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Để thực hiện được mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tập trung nhân rộng những "điểm sáng" của năm 2017. Đó là kết quả tích cực trong hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, vốn đang trên đà tăng trưởng. Khu vực này đang được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng tương xứng với vai trò trong nền kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chủ động triển khai tốt trách nhiệm phục vụ DN, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những tồn tại như xử lý nợ xấu còn hạn chế, còn nhiều DN thua lỗ… quy mô nền kinh tế còn thấp, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, cải cách hành chính còn bất cập, tái cơ cấu kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra; Nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; Điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà; Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp; Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

"Vấn đề mấu chốt là con người. Muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục những hạn chế yếu kém thì trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu bộ máy, con người. Phải phát huy những cán bộ, con người tốt, năng động, phù hợp với công việc" - Thủ tướng nhấn mạnh. Năm 2018 cần tiếp tục quyết liệt: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền công vụ trong sạch, quyết tâm loại trừ tham ô, nhũng nhiễu. “Hãy hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp thời cơ vươn lên. Cán bộ nào lơ là trách nhiệm, thiếu nhiệt huyết cần được thay thế ngay" - người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.

Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 xác định phương châm hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Về cải cách hành chính, chỉ tiêu là đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm 2,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017, giảm 1,7% biên chế công chức và giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015…

Làm tốt chống tham nhũng giúp tăng niềm tin của Nhân dân

Không nên chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, phải nỗ lực phấn đấu để nước ta không chỉ năm sau tiến bộ hơn năm trước mà phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền. Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu. Thực hiện tốt những việc trên không hề làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ. - Trích Phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 28/12

Hà Nội lấy DN, người dân là đối tượng phục vụ

Năm 2017, TP Hà Nội đã xây dựng chính quyền hành động, lấy người dân và DN làm trung tâm, giúp kinh tế Thủ đô tăng trưởng cao, các cân đối lớn được đảm bảo, hoàn thành 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,3%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được thực hiện tốt, tuy nhiên còn một số vụ tác động đến an ninh nông thôn của TP. Còn có hiện tượng cán bộ, công chức chưa thực hiện tốt quy tắc ứng xử với công dân, có biểu hiện hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn cho việc giải quyết thủ tục hành chính gây bức xúc, các vụ xâm hại trẻ em tăng cao… Năm 2018, TP sẽ khắc phục các hạn chế, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như cải cách hành chính, đổi mới sắp xếp bộ máy, xây dựng chính phủ điện tử, hỗ trợ DN khởi nghiệp, thu hút các dự án đầu tư, cải thiện an toàn thực phẩm, tiếp tục chương trình trồng một triệu cây xanh, xây dựng các điều kiện hình thành và phát triển thành phố thông minh… - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung