Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam: Nâng chất, duy trì đà tăng trưởng

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế trong nước tiếp tục đà tăng trưởng, với tăng trưởng GDP 3 quý năm 2019 đạt cao nhất gần thập kỷ qua.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm. Điều này đặt ra những cảnh báo cần củng cố chất lượng tăng trưởng.
Sản xuất tăng chậm, chất lượng vốn đầu tư chưa cao
GDP 9 tháng ước tính tăng 6,98%, vừa cao hơn cùng kỳ, vừa tạo tiền đề để cả năm vượt kế hoạch đề ra (6 - 6,8%). Tuy nhiên, do sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản gặp khó khăn ở cả đầu vào, ở cả đầu ra; tăng trưởng công nghiệp chậm lại (tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp - IIP so với cùng kỳ năm trước của tháng 9 tăng 9,9%, nên tính chung 9 tháng tăng 9,6%, sang tháng 10 chỉ tăng 9,2%, nên tính chung 10 tháng chỉ còn tăng 9,5%). Cũng trong tình hình tương tự, so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 tăng 12,2%, nhưng tháng 10 chỉ còn tăng 10,8%...
 Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty MTEX, Nhật Bản, khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh.   Ảnh: Cao Thăng
Vì thế, mặc dù báo cáo của Tổng cục Thống kê ước tính GDP 9 tháng tăng tới 6,98%, nhưng Chính phủ vẫn dự báo GDP cả năm 2019 chỉ ở mức 6,8%, thấp tương đối xa so với tốc độ tăng đã đạt được trong 9 tháng. Nhìn rộng ra, tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nói riêng cũng đang chậm lại nhanh so với dự báo trước đây. Nếu trước đây, nhiều người cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm so với các năm trước và so với dự báo chính là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thì nay đã cho rằng chủ yếu do tăng trưởng công nghiệp, ngành sản xuất thực lớn nhất bị sụt giảm tăng trưởng. Sự sụt giảm này đã xuất hiện từ trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Thực tế, cuộc chiến thương mại này chỉ góp phần làm cho sự sụt giảm tăng trưởng chung tăng lên.
Vốn đầu tư từ ngân sách trong 10 tháng qua đã có xu hướng cao lên, tháng 10 ước đạt 37.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch cả năm vẫn còn rất thấp (69,2%), của T.Ư còn thấp hơn (61,3%), trong đó nhiều bộ, ngành, tỉnh, TP còn đạt thấp hơn, nhất là những nơi có kế hoạch vốn lớn (như Bộ GTVT 55,1%, TP Hồ Chí Minh 46,4%…).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đạt khá (10 tháng tăng 7,4%, ước chung cả năm có thể lần đầu tiên vượt qua mốc 20 tỷ USD). Tuy nhiên, lượng vốn đăng ký mới và điều chỉnh 10 tháng giảm. Đáng chú ý vốn từ Trung Quốc, Hongkong chiếm tỷ trọng rất cao 26,3%. Sự lan tỏa công nghệ của khu vực FDI sang khu vực trong nước còn thấp, trong khi thị phần của kinh tế trong nước thấp (50% công nghiệp, 30% kim ngạch xuất khẩu…).
Tiêu thụ tăng, lạm phát thấp
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng có 2 điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, so với cùng kỳ, năm nay tăng, nếu loại trừ yếu tố giá thì vẫn tăng cao hơn tốc độ tăng GDP và cao hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (9,4% so với 7,4%).
Thứ hai, tốc độ tăng có xu hướng cao lên. Điều đó chứng tỏ tiêu thụ trong nước là động lực của tăng trưởng kinh tế; đó cũng là xu hướng của nhiều nền kinh tế lớn hiện nay trong điều kiện xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại.
Xuất khẩu đạt quy mô khá. Mới qua 10 tháng đã lớn hơn mức cả năm 2017 (217,1 tỷ USD so với 215,1 tỷ USD). Tăng trưởng đạt 7,4% có thể đạt mục tiêu đề ra (7 - 8%). Tăng trưởng đạt ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng với tốc độ cao hơn khu vực có vốn FDI (16,2% so với 4,9%).
Tăng trưởng đạt được ở nhiều mặt hàng, trong đó có những mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung. Một điểm nhấn quan trọng là do xuất khẩu đạt quy mô lớn hơn nhập khẩu, nên 10 tháng đã xuất siêu trên 7 tỷ USD; dự đoán cả năm có thể xuất siêu gần 6,9 tỷ USD và là năm thứ tư xuất siêu liên tiếp, góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, góp phần “kích cung”…
Trong 10 tháng, xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 8,4 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Ước cả năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 17,7 triệu lượt người; xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 11,5 tỷ USD.
Tuy nhiên có hạn chế là khách du lịch trở lại lần thứ 2, số ngày du lịch, chi tiêu và cơ cấu chi tiêu, kỹ năng lực lượng lao động, quy hoạch điểm du lịch, sản phẩm du lịch và kết nối, chất lượng và năng lực hạ tầng cơ sở các điểm du lịch, bảo vệ tài sản lịch sử, văn hóa và môi trường…
Lạm phát đạt kết quả kép, vừa thấp hơn cùng kỳ, vừa kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu và không ảnh hưởng lớn đến mức sống thực tế của người tiêu dùng, lại tác động tích cực đến tăng trưởng.
Ngoài những yếu tố có tính thị trường (thuộc về “bàn tay vô hình”), thì yếu tố quản lý nhà nước (thuộc về “bàn tay hữu hình”) đã phát huy tác dụng, nhất là việc điều hành các loại giá, nhất là giá dịch vụ, tiền lương, tỷ giá… do Nhà nước quyết định năm nay có tính chủ động, linh hoạt hơn trước kia. Bên cạnh đó là yếu tố tâm lý cơ bản ổn định do lạm phát được kiểm soát, lòng tin vào đồng tiền quốc gia tăng…