Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kpop xâm chiếm màn ảnh nhỏ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc Việt Nam do ekip sản xuất của Hàn Quốc "nhào nặn" đang xâm chiếm sóng truyền hình Việt. Dù kinh phí đầu tư lớn, ekip chuyên nghiệp, nhưng vẫn để lộ nhiều sự pha tạp văn hóa.

Thí sinh Việt không hát được nhạc Việt

Chương trình Ngôi sao Việt mới phát sóng 2 tập đầu, nhưng các thí sinh đã khiến khán giả trải qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Rất nhiều gương mặt xinh đẹp, chất giọng khá, vũ đạo tốt được phát hiện từ những buổi ghi hình đầu tiên. Thế nhưng, hầu hết các thí sinh nói tiếng Việt chỉ chọn hát các ca khúc tiếng Hàn. Cho dù, ca sĩ Phương Thanh, thành viên Ban giám khảo nhận định: "Thí sinh được lựa chọn là người phải biết thích ứng với nhiều thể loại nhạc", nhưng trong 2 tập của Ngôi sao Việt vừa qua, Bảo Ngọc hay Anh Phương vẫn được lựa chọn vào vòng trong dù không hát được tiếng Việt.

 
Kpop xâm chiếm màn ảnh nhỏ - Ảnh 1
Nhóm Panoma chọn phong cách giống Crayon Pop.
Trong tập 2 của chương trình, giám khảo người Hàn Quốc Mario đã có ít nhất 3 lần dùng thẻ cứu thí sinh để “vớt” những gương mặt đẹp mà theo khán giả là thiếu hồn Việt. Lý do cho các lựa chọn này được giải thích đơn giản là "nếu được huấn luyện thì có lẽ sẽ thay đổi". Sự lựa chọn của Mario không chỉ khiến thí sinh ngỡ ngàng mà còn khiến khán giả Việt xem chương trình hẫng hụt. Bởi, những thí sinh này làm sao có thể trở thành ngôi sao vượt lãnh thổ như mục tiêu của chương trình, trong khi thiếu hụt tố chất thanh nhạc

Cuộc đầu tư “khủng”

Có thể thấy, chương trình Ngôi sao Việt là điển hình của việc người Hàn Quốc dốc cả đống tiền để đào tạo ra những nghệ sĩ Việt theo phong cách Hàn. Bởi vì, 7,5 tỷ đồng dành cho ngôi vị quán quân thật sự là một con số mơ ước, chưa từng có ở các cuộc thi âm nhạc tại Việt Nam. Ngoài Phương Thanh, John Huy Trần và những gương mặt người Việt hiếm hoi trong thành phần ekip thực hiện của chương trình, những thành viên còn lại đều là nhạc sĩ, ca sĩ, giám đốc đào tạo nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc. Điển hình như nhạc sĩ Kim Do Hoon, Giám đốc đào tạo Kim Jin Woo, nhà sản xuất, nhạc sĩ Mario và ca sĩ - "Nữ hoàng nhạc phim" Baek Ji Young… Đó là chưa kể, 15 thí sinh Việt vào chung kết sẽ được Ban tổ chức đầu tư cho học vũ đạo, thanh nhạc tại Hàn Quốc. Không thể đếm xuể bao nhiêu tiền của, công sức mà Ban tổ chức Ngôi sao Việt đầu tư cho chương trình này.

Ngoài ra, giới nghệ thuật Hàn cũng đang ấp ủ đầu tư một chương trình "khủng" không kém Ngôi sao Việt để phát sóng trên VTV3. Hiện, cuộc thi này đang trong quá trình xây dựng nên Ban tổ chức chưa tiết lộ thông tin chính thức về tên chương trình, mức độ đầu tư. Tuy nhiên, chương trình mới này sẽ dành cho các thí sinh chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ để nhào nặn ra nhiều gương mặt "made in Korea". 10 gương mặt nổi bật nhất cuộc thi sẽ được Ban tổ chức đầu tư dài hơi để hát Kpop và trở thành "cái máy" kiếm tiền trên đất Việt.

Nói như ông Kang Cheol Keun - Chủ tịch Hiệp hội giao lưu văn hóa quốc tế Hallyu: "Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn hóa, phải có sự cởi mở để phát triển". Chính vì vậy, nếu năm 2011, nghệ sĩ của các nước châu Âu, châu Mỹ chiếm thế thượng phong trong các đêm nhạc ngoại ở Việt Nam thì khoảng 2 năm nay, các nghệ sĩ Hàn lại trở nên áp đảo về số lượng đêm nhạc. Kpop phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam là hệ quả của công cuộc "mưa dầm thấm lâu" của làng giải trí Hàn Quốc. Nhạc Hàn với sự phong phú về thể loại và phong cách đa dạng đã đáp ứng nhu cầu giải trí của giới trẻ Việt. Thế nhưng, làm sao để văn hóa ngoại không quá lấn át văn hóa truyền thống? Làm sao để giới trẻ Việt không trở thành bản sao của giới trẻ nước bạn? Điều này ngoài chức năng giám sát của cơ quan văn hóa, rất cần bản lĩnh của nhiều công ty tư nhân, đài truyền hình, không vì lợi ích kinh tế mà quên đi điều tiết quá trình giao lưu văn hóa.