Ngày 31/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản về Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016, trong đó Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục triển khai gói 30.000 tỷ đồng đến khi giải ngân hết. Dù vậy, theo các chuyên gia, điều này không có nghĩa tất cả những người đã ký hợp đồng đều có thể được hưởng lãi suất ưu đãi trọn vẹn. Sau khi giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng, việc giải ngân sau đó ngay cả với những hợp đồng đã ký có được hưởng lãi suất ưu đãi hay không sẽ lại phải chờ.
Chạy đua hưởng ưu đãi
Suốt cả tuần qua chị Hải Thanh (Hoàng Mai) phải chạy đôn chạy đáo để hoàn thành hồ sơ vay 700 triệu đồng. “Không phải mình tôi, mà nhiều người lo lắng sợ làm hồ sơ không kịp. May mắn tôi đã kịp được ký hợp đồng”.
Tuy nhiên, không như chị Thanh, Chị Minh Hoa (Cầu Giấy), cho biết: “Từ khi có thông báo của NHNN, tôi đã nhanh chóng đi làm thủ tục nhưng vẫn không kịp khiến tôi mất cơ hội vay tiền mua nhà với lãi suất thấp”. Những ngày qua, trên nhiều trang mạng xã hội và diễn đàn, chủ đề tìm kiếm những dự án nhà ở xã hội đã hoặc sắp hoàn thành đang được nhiều người dân quan tâm bởi khi mua những dự án này, người mua nhà vừa được về ở ngay, lại được giải ngân và hưởng ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng. Chị Thu Hòa (quê Phú Thọ) giải thích: Với những dự án này chỉ cần thanh toán tối thiểu khoảng 200 triệu đồng (20% giá trị căn hộ) là có thể về ở. Tuy vậy, những dự án này hiện chỉ có một lượng hàng nhỏ, chủ yếu là những căn diện tích lớn hoặc có vị trí không đẹp.
Trong khi về phía ngân hàng (NH), Chị Nh. nhân viên một NH trên phố Bà Triệu cho hay, mấy ngày qua đều phải làm thêm giờ, riêng chi nhánh của chị có khoảng vài chục hồ sơ từ trong Tết đang giải quyết. Khách hàng gọi điện thúc giục, chủ đầu tư cũng nhờ giải quyết nhanh được hồ sơ nào hay hồ sơ đó. Theo chị Nh., sau khi có hợp đồng mua bán, khách hàng đến NH để mở tài khoản và ký hợp đồng tín dụng vay gói 30.000 tỷ đồng. Nếu khách hàng nào đã có văn bản thỏa thuận cho vay mới ký được trước ngày hết hạn. Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, vẫn còn nhiều hồ sơ đang làm thủ tục thẩm định. Trong khi đó, một số NH đã dừng ký hợp đồng tín dụng mới từ một tuần qua và chỉ tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng theo đúng quy định.
Chờ cụ thể hóa chủ trương
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc NHNN kết thúc ký hợp đồng tín dụng mới gói 30.000 tỷ đồng sớm là một động thái có tính toán trước. Trong khi những khách hàng đang còn lo chưa biết có được giải ngân với lãi suất ưu đãi trọn gói hay không thì việc kéo thêm khách hàng mới sẽ là gánh nặng quá sức. Với việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý để NHNN tiếp tục giải ngân hết 30.000 tỷ đồng thay vì kết thúc vào ngày 1/6/2016 như Thông tư 11/2013 của NHNN quy định, các chuyên gia cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả các hợp đồng đã ký đều được hưởng lãi suất ưu đãi (5%) trọn vẹn. Trong văn bản ngày 28/3 gửi các NH Thương mại yêu cầu dừng ký hợp đồng vay mới, NHNN tính toán, đến ngày 10/3/2016, các NH đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng đối với hơn 46.000 khách hàng; đã giải ngân theo tiến độ trên 21.000 tỷ đồng (gần 70%). “Dù không hạn chế thời gian (như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ), nhưng nếu căn cứ tiến độ giải ngân trong những tháng gần đây thì đến 1/6/2016 sẽ giải ngân được khoảng 85% - 90%, đồng nghĩa với việc chỉ còn ước chừng 4.000 - 5.000 tỷ đồng chưa được giải ngân sau thời điểm 1/6/2016” - TS Nguyễn Trí Hiếu bình luận. “Với những khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng vay gói 30.000 tỷ đồng, việc có được ưu đãi lãi suất (5%) khi giải ngân hết số tiền 4.000 -5.000 tỷ đồng còn lại trong gói 30.000 tỷ đồng kia hay không vẫn còn treo lơ lửng”. Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cảnh báo, khi người dân đã mua, đã ký hợp đồng, họ cần phải biết thời hạn, lãi suất cho khoản vay là bao nhiêu. Nếu chủ thể đi vay là chủ đầu tư thì phải đang có dự án được khởi công, theo tiến độ giải ngân. Còn chuyển hướng từ hợp đồng cam kết cho vay đến giải ngân mà dự án thực tế không có cơ sở xây dựng theo tiến độ là rủi ro cho chính khách hàng.
Cho đến cuối ngày 31/3, NHNN vẫn chưa có số liệu chốt tổng hợp. Lý giải nguyên nhân khiến cam kết của NH vượt hạn mức, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đó là do đối với các đối tượng được vay ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng là DN, do số tiền cho vay lớn, NH thường kiểm tra từ NHNN xem còn nguồn hay không trước khi cam kết. Tuy nhiên, với cho vay cá nhân, NH lại làm hợp đồng cam kết cho vay trước, sau đó mới nộp hồ sơ xin tái cấp vốn, dẫn đến số cam kết cho vay vượt hạn mức 30.000 tỷ đồng. Cũng theo ông Đông khi gói 30.000 tỷ đồng dừng lại, sẽ còn hỗ trợ khác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thông tư 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn việc cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội tại Nghị định 100/NĐ - CP quy định, người thu nhập thấp cần mua nhà ở xã hội sẽ tiếp tục vay vốn ưu đãi từ NH Chính sách xã hội, lãi suất cho vay không được vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các NH trên thị trường trong cùng thời kỳ. Nếu lãi suất thương mại tăng, người mua nhà sẽ phải chịu lãi suất tăng, trong trường hợp giảm, mức lãi suất cũng giảm tương ứng…
Khách hàng tìm hiểu thông tin mở bán của một dự án nhà ở trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
|
Ông Vũ Kim Giang - Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Hải Phát: Tắc nghẽn cục bộ Ngày 27/3 vừa qua, Công ty CP Đầu tư Hải Phát đã tiếp nhận đơn đăng ký mua NƠXH The Vesta (Hà Đông) của gần 1.000 khách hàng. Tuy nhiên, đột ngột ngày 31/3, NHNN yêu cầu dừng ký hợp đồng mới với toàn bộ các khách hàng của chương trình do gói chính sách này đã tiêu thụ hết "quota". Động thái phanh gấp này đã khiến việc mua – bán các dự án NƠXH nói chung bị tắc. Hải Phát khi tham gia làm NƠXH, dù nghiên cứu kỹ chính sách liên quan đến phân khúc này nhưng cũng không lường được chính sách tín dụng biến động nhiều đến vậy. Trong công tác triển khai bán hàng có đến 99% khách hàng phải nhờ đến tín dụng ưu đãi mới mua nhà. Khách hàng thời điểm này không dám ký hợp đồng mua bán, vì không được vay và không biết đến bao giờ có gói tín dụng mới được thay thế. Trong khi đó, chủ đầu tư không thể trì hoãn việc xây dựng dự án. Khách hàng mua NƠXH là những người có nhu cầu bức thiết hơn khách hàng mua nhà ở thương mại. NHNN nên xem xét trước mắt vẫn cho phép vay đối với dự án NƠXH. Bên cạnh đó, để giải quyết sự tắc nghẽn cục bộ cần có ngay gói tín dụng mới giải ngân nối tiếp ngay khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc. Nếu phải chờ đợi quá lâu, chủ đầu tư bị thiệt hại lớn và gây hoang mang của người dân. |
Ông Nguyễn Đình Toản – Phó Giám đốc sàn Hưng Gia Land: Chủ đầu tư, sàn phân phối, khách hàng đều sốc Dự án nhà ở xã hội (NƠXH) Bright City do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư đang được sàn Hưng Gia Land phân phối chính thức. Trong tháng 3, thông tin về lãi suất của gói 30.000 tỷ đồng sau 1/6 và dừng ký hợp đồng mới từ 31/3 từ NHNN đã gây cú “sốc” lớn cho chủ đầu tư, đơn vị phân phối và đặc biệt là khách hàng mua NƠXH. Mặc dù Thủ tướng vừa đồng ý cho những người mua nhà có hợp đồng cho vay trước ngày 31/3 được giải ngân và hưởng lãi suất ưu đãi 5% trong suốt khoảng thời gian vay nhưng như vậy vẫn quá thiệt thòi cho người mua nhà chưa kịp ký hồ sơ. Cụ thể như bên sàn Hưng Gia Land đối với các khách hàng đã duyệt hồ sơ, đủ điều kiện để ký vay gói 30.000 tỷ đồng tại dự án NƠXH Bright City đã dừng lại việc ký kết mới. Lượng khách hàng giảm sâu mặc dù nhu cầu thật rất nhiều. Trước đây, một ngày Hưng Gia Land xử lý khoảng 10- 15 khách đến tìm hiểu dự án, chọn tầng, căn và hoàn thiện hồ sơ. Sau một loạt những biến động về chính sách từ NHNN chỉ còn lác đác 1 - 3 khách/ngày, chủ yếu chỉ đến… tham khảo giá. Sàn phân phối dự án NƠXH trực tiếp tư vấn cho khách hàng nên hiểu được những khó khăn của người mua nhà tại phân khúc này. Có những khách đã được duyệt hồ sơ rồi đến tháng đóng đợt 1 vẫn chưa chuẩn bị được tiền. NHNN cần có chính sách mới để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chuyển những khách hàng này sang Ngân hàng Chính sách xã hội để được giảm một phần gánh nặng về tài chính. |