Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII: Cơ hội mới để chấn hưng giáo dục đại học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua, 2/11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường nghe các thành viên Chính phủ báo cáo Tờ trình về các dự án Luật. Trong đó, Luật Giáo dục đại học (GDĐH) có nhiều điểm mới được xã hội quan tâm.

Theo Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận, trong bối cảnh GDĐH Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với hệ thống giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật GDĐH là cần thiết và đây cùng là cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển của GDĐH và thực hiện các mục tiêu của nó.

Ưu tiên phát triển GDĐH ngoài công lập

Với 12 chương, 67 điều, Luật GDĐH, là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức, hoạt động GDĐH, cụ thể hóa các quy định khung của Luật Giáo dục về GDĐH. Trong đó, về Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH là sự phân bố, sắp xếp hệ thống các trường cao đẳng, trường ĐH, Học viện, ĐH Quốc gia với cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với quy mô dân số, vị trí địa lý, vùng lãnh thổ trên toàn quốc và từng địa phương, cho từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước".

Dự thảo cũng nêu rõ: Ưu tiên thành lập cơ sở GD ĐH tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm đầy đủ các điều kiện thành lập theo quy định; Khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; Cấm lợi dụng các hoạt động GDĐH vì mục đích vụ lợi.

Phân rõ trách nhiệm

Theo dự thảo, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường ĐH, Học viện, ĐH Quốc gia và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng Bộ GD & ĐT quyết định cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo trường cao đẳng, trường ĐH, học viện, và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài. Các cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài phải xây dựng và thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giảng dạy, nghiên cứu khoa học; xây dựng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH. Công khai cam kết chất lượng đào tạo, công khai về nguồn lực và tài chính. Chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ GD & ĐT. Định kỳ báo cáo về tình hình hoạt động và giải trình với Bộ GD & ĐT, các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh nơi cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở và hoạt động. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giảng viên và những người lao động khác trong trường hợp chấm dứt hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động trước thời hạn. Tôn trọng các phong tục, tập quán của Việt Nam.

Kéo dài thời gian làm việc của Giáo sư

Một trong những quy định, giảng viên có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu giảng viên có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian công tác, đồng thời cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.

 Cùng ngày, Quốc hội cũng nghe Tờ trình báo cáo các dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Giáo dục đại học và Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Luật Thủ đô được đưa vào chương trình chính thức

Theo Tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình trước Quốc hội, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội sẽ xem xét 96 dự án thuộc Chương trình chính thức (90 dự án Luật, 6 dự án Pháp lệnh) và 38 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị. Trong số 96 dự án thuộc Chương trình chính thức, có khá nhiều luật mới được quan tâm, đó là Luật Thủ đô; Luật hoặc nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Đầu tư công, mua sắm công; Luật Quản lý giá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân...