Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Cầu nối gia đình

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện một thực trạng đáng lo ngại là trẻ dường như thích sống cuộc sống “ảo” trên mạng nhiều hơn cuộc sống, từ đó khiến nhận thức, hành vi của trẻ rất dễ mắc sự lệch lạc, ích kỷ…

Thực tế cho thấy, nhiều đứa trẻ không thể trả lời được bất cứ thứ gì liên quan đến cuộc sống thực, nhưng lại rất sành sỏi trong thế giới ảo. Thậm chí luôn lấy thế giới ảo làm tiêu chuẩn, là mục đích sống của mình.
 Ảnh minh họa.
Không ít người trẻ cho rằng, dường như chỉ khi ngồi trước màn hình vi tính, họ mới có cảm giác giành lại được khả năng kiểm soát mọi thứ. Dù đó là thế giới ảo, song những cảm xúc khi say sưa bấm phím hoặc di chuyển con trỏ lại rất thật. Các trò chơi, phương thức trò chuyện hiện nay được thiết kế sống động như thật. Cảm giác làm chủ giả tạo này có sức hấp dẫn như ma lực, đưa các em vào trong thế giới ảo do chính mình tạo ra một cách đam mê, thỏa thích. Cùng với đó, một hiện tượng đang trở thành nỗi lo lắng của không ít phụ huynh là trẻ tham gia vào các trang web hẹn hò online. Và từ chỗ chán với đời sống thực tại, dễ dãi trong quan niệm về hôn nhân, nhiều bạn trẻ đã "đăng ký kết hôn" với nhau trên mạng, để rồi từ đó là khởi nguồn của nhiều hệ lụy đau lòng.

Nhiều chuyên gia tâm lý đã thẳng thắn chỉ ra không ít trường hợp, có những đứa trẻ sau một thời gian sống trong thế giới ảo, không biết đâu là thật, đâu là ảo, không thể bước ra cuộc sống thực để hòa nhập. Bởi lang thang trên mạng triền miên, trẻ cứ nghĩ thực là ảo, ảo là thực, làm cho bản thân mê muội, dẫn đến hàng loạt những sai lầm, khó cứu vãn. Không chỉ những đứa trẻ nhỏ, không ít người trẻ có tri thức cũng đang dần rơi vào thế “tự kỷ” bởi chỉ biết kết nối với những con người ảo trên mạng, mà quên mất những người thân quanh của mình.

Vai trò quan trọng đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ phải là gia đình. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, thông thường những đứa trẻ “ngập” sâu và bị chi phối hoàn toàn vào thế giới ảo đều do không có mục tiêu ở cuộc sống thực, nhưng lại muốn mình được công nhận trên thế giới ảo. Ở đó, trẻ được sống khác người, tìm thấy cứu cánh cho hoàn cảnh bị “bỏ rơi giữa gia đình” của mình trong thể giới thực.

Bởi thế, không thể ai khác, bố mẹ chính là cầu nối cho con giữa hai thế giới ảo - thực đó. Hãy là cầu nối cho con bằng chính sự quan tâm, trò chuyện, sẻ chia, cung cấp cho con những kiến thức cơ bản nhất và cũng nên gợi mở để trẻ có thể nắm bắt được từ kho tàng kiến thức khổng lồ trên internet. Sự tiếp xúc, học hỏi từ bố mẹ, từ xã hội thực sẽ giúp trẻ có thể có những nhận thức, hành vi ứng xử đúng đắn, phù hợp.