[Kỹ năng sống] Có nên cho trẻ cãi lại?

TS. Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xưa nay, quan niệm của người lớn chúng ta là phải dạy trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời. Đây gần như là “chân lý”, không ai mảy may nghi ngờ rằng phải xem xét lại.

Trẻ em với quan niệm nói trên được xem là “ngoan”, viết “vâng lời”, có nghĩa là sẽ lớn lên an toàn, có kiến thức và dẫn tới thành đạt. Đương nhiên, người lớn thường có nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn trẻ nhỏ. Họ bao giờ cũng muốn đưa ra những điều được coi là sáng suốt nhất để răn dạy trẻ. Vậy thì còn điều gì băn khoăn nữa khi trẻ biết vâng lời thầy cô, bố mẹ…?

Tuy nhiên, một đứa trẻ hay cãi, hay tìm cách lật ngược lại vấn đề mà người lớn chỉ bảo cho nó không hề đồng nghĩa với một đứa trẻ không ngoan. Đương nhiên “ngoan” hay “không ngoan” còn thể hiện thái độ của đứa trẻ cãi như thế nào, hay chúng ta còn gọi là phản biện như thế nào.
 Ảnh minh họa.
Trong khi giải một bài toán khó, thầy giáo luôn khuyến khích học trò tìm ra những lời giải khác nhau. Chính vì sự khuyến khích đó, Lê Bá Khánh Trình mới tìm ra “lời giải xuất sắc”, “lời giải đẹp” cho một bài toán hóc búa trong kỳ thi toán quốc tế, như ông từng tâm sự với người viết.

Trong làm văn cũng vậy. Nếu chúng ta cho trẻ một bài văn mẫu nào đó, tức chúng ta đã khiến trẻ lười suy nghĩ triển khai đề tài cụ thể, từ đó dẫn tới khô khan về cảm xúc, nghèo nàn về nội dung, ý tưởng.

Trong một vấn đề của cuộc sống cũng tương tự như bài toán, hay một bài văn. Trẻ nếu biết lật đi, lật lại vấn đề, nhìn nó ở các góc cạnh khác nhau sẽ giúp nó có ý nghĩ thấu đáo hơn, toàn diện hơn.

Một chuyên gia còn cho biết: Trẻ phát triển tư duy phản biện sẽ giúp não bộ phát triển gấp 2 lần trong nhận thức và giải quyết vấn đề; đồng thời giúp trẻ có khả năng ghi nhớ tốt, biết tìm cách giải quyết vấn đề khó khăn, chỉ số IQ cao…

Để có thể giúp trẻ có tư duy phản biện, phụ huynh trước hết không cấm trẻ có ý kiến riêng trong nhưng vấn đề hàng ngày. Trừ những trường hợp nếu trẻ không vâng lời sẽ nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của trẻ, phụ huynh không nên ra lệnh một cách áp đặt con em mình. Phụ huynh cần khuyến khích trẻ phát biểu những suy nghĩ của mình, trong đó cho trẻ nói lý do sao lại làm như vậy. Có thể hỏi trẻ có cách giải quyết nào khác không? Có hài lòng với quyết định của bố mẹ không?

Để phá vỡ, thay đổi một quan niệm đã đã có từ rất lâu là rất khó. Tuy nhiên, chúng ta thử áp dụng một cách linh hoạt sẽ giúp trẻ phát triển về tư duy tốt. Điều quan trọng nữa, trong “văn hóa phản biện”, trẻ dễ dàng tiếp nhận được nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều để có kết quả tốt nhất. Đó vấn đề “trải lòng” và “mở não” trong văn hóa tiếp nhận, giúp trẻ thu nhận được phong phú kiến thức, đồng thời chỉ số IQ sẽ tăng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần