Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Con có thông minh?

Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy con mình sao học hành dở tệ, trong khi con của người ta là nhưng ngôi sao sáng. Mùa thi cử này, tâm trạng đó lại càng xuất hiện ở nhiều người, buồn và lo lắng trộn lẫn.

Thậm chí, có người nghĩ tại sao bố mẹ học hành giỏi giang, có người là nhà khoa học nổi tiếng nhưng con cái học toán, văn… chỉ mức trung bình, thậm chí là yếu.
 Ảnh minh họa.
Thực tế, có một giáo sư toán học rất nổi tiếng, từ nhỏ đã được gọi là thần đồng; vợ của ông cũng là giảng viên đại học. Tuy nhiên, họ lại sinh được cô con gái học hành dưới mức bình thường, khiến họ là nhà khoa học cũng không hiểu tại sao. Tuy nhiên, sau thời gian giúp con để con có thể học tốt toán, văn… nhưng không đạt mục đích, họ đành mặc cho nó muốn học gì thì học, tương lai ra sao thì ra. Cuối cùng, đứa trẻ không dành nhiều thời gian cho học toán hay văn mà tập trung học đàn. Cuối cùng, đứa trẻ đó thi đậu vào nhạc viện quốc gia, học giỏi được giữ lại trường dạy và trở thành nhạc công danh tiếng.

Theo các nhà nghiên cứu, trí thông minh thể hiện ở nhiều lĩnh vực, không chỉ ở học toán, lý, hóa, văn, sử, địa… như cách nghĩ thông thường của chúng ta. Trí thông minh của trẻ thường được chia ra nhiều dạng: Ngôn ngữ, logic toán học, âm nhạc, hình ảnh không gian, vận động thể chất, giao tiếp xã hội, nội tâm, khám phá thiên nhiên, hiện sinh (hay so sánh, thắc mắc sao điều này, điều kia tồn tại)… Đương nhiên, cũng có những đứa trẻ vừa có thể giỏi toán, giỏi văn lại giỏi đá bóng chẳng hạn, kiểu như mọi người nói là “văn võ song toàn”…

Như vậy, nếu bố mẹ thấy con mình thích và giỏi chơi một môn thể thao nào đó thì có nghĩa nó cũng thông minh. Đây cũng là mang lại niềm tự hào như khi con giỏi toán hay văn. Hiểu được điều này, gia đình mới có thể tạo điều kiện tốt nhất cho con phát triển trí thông minh. Điều quan trọng, khi con có vẻ học kém một môn văn hóa nào đó, bố mẹ không nên nóng vội cho rồi con yếu kém và tỏ thái độ bực bội với con.

Từ lâu, chúng ta có quan niệm, gần như duy nhất, con cái thành đạt (hay muốn thành đạt) là phải học giỏi các môn văn hóa ở trường phổ thông. Gia đình thường tập trung tất cả khả năng để phát triển con theo hường này: Tìm trường tốt, thầy giỏi cho con, cho con đi học thêm… Tuy nhiên, điều này nhiều lúc khiến con rơi vào bế tắc vì chúng không thể đáp ứng mong mỏi của bố mẹ. Chúng có thể nghi ngờ về bản thân và thậm chí bị thui chột những năng khiếu bẩm sinh.

Mỗi đứa trẻ đều có một tài năng riêng, và trước hết mỗi đứa đều là một thực thể đặc biệt. Bố mẹ ngoài việc cho con học hành bình thường, cần chú ý đến con mình thông minh ở lĩnh vực nào, có năng khiếu gì để bồi dưỡng cho con phát triển theo hướng đó. Con cái trưởng thành nhất là chúng phát triển bình thường, có niềm hạnh phúc trong cuộc sống và đặc biệt là được sống theo ý muốn của chính bản thân nó.