Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Đừng “giám sát”

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ vì một lần bắt gặp con đi chơi với bạn vào đúng giờ đi học thêm, mà anh đã mất lòng tin vào cậu con trai mà quên nghe một lời giải thích từ phía con.

Kể từ ấy cậu con trai bị anh kiểm soát gắt gao, bất kể đi đâu làm gì anh đều hỏi đi mấy giờ và về nhà mấy giờ. Mọi mối quan hệ bạn bè của con cũng bị anh kiểm soát vì sợ cậu giao du với bạn xấu.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Anh "phân" bạn bè của con ra làm nhiều loại, chỉ những “đứa nào” ngoan ngoãn, học giỏi, gia đình có nền nếp, con mới được phép chơi. Giọt nước tràn ly khi con trai phát hiện ra anh thường xuyên xem lén tin nhắn trong điện thoại của con, rồi còn lén theo dõi con đi chơi với bạn... Và hậu quả là cậu con trai phản kháng, không nghe lời anh nữa, tụ tập đi chơi ngày đêm bất kể những trận đòn.

Thực tế, sự quan tâm của bố mẹ với con cái luôn là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, khi đã bắt đầu trưởng thành, con cái cũng có những riêng tư, những khoảng trời riêng rất cần được tôn trọng. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, bố mẹ nên gần gũi và thường xuyên nói chuyện với con để nắm bắt những suy nghĩ và băn khoăn của con để có sự tư vấn, giúp đỡ kịp thời. Cách hiệu quả nhất là lắng nghe và hiểu cảm xúc của con để định hướng kịp thời, không nên kiểm soát và bắt con làm theo ý mình. Cái bố mẹ cần làm là hỗ trợ về mặt tình cảm, tư vấn và luôn ở bên cạnh con lúc chúng cần.

Đừng nên áp đặt những chỉ bảo hay mệnh lệnh như "con không được chơi với bạn A, B, C vì mẹ bạn ấy là người không tốt", hay "con không được yêu vì chưa đến tuổi"... Thật khó khi bố mẹ phải kìm chế sự can thiệp, để mặc con có sự lựa chọn riêng, đặc biệt là khi đó không phải là những lựa chọn đúng đắn. Nhưng sai lầm lớn nhất là áp đặt cách suy nghĩ và cách sống của mình lên con. Hãy tạo cho con sự tin cậy, nói chuyện với con như những người bạn để trẻ có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình.

Và đừng gắn suy nghĩ và những nỗi lo của người lớn vào con. Hãy đưa ra một môi trường mà ở đó không có sự phán xét, chỉ có sự thảo luận bình đẳng. Khi con làm sai, thay vì mắng lấn át đi, hãy lắng nghe những gì con nói và sau đó đưa ra ý kiến của bạn thật khách quan. Nếu biết cách lắng nghe, con sẽ luôn mở lòng với bố mẹ và nhờ đó duy trì được sự kết nối trong gia đình. Thái độ tích cực của người lớn sẽ giúp con trẻ có thêm sức mạnh. Và người lớn cũng luôn là tấm gương tích cực cho con, do đó, hãy thể hiện với một hình ảnh tích cực cả trong hành động và suy nghĩ. Không nên biến mình thành người cực đoan trước con, sẽ dẫn đến sự phản kháng.