Thế nhưng, liệu cách họ bù đắp thời gian hay tình cảm cho con có giúp con phát triển tốt hơn?
Trong hầu hết suy nghĩ của cha mẹ, bù đắp cho con nghĩa là đáp ứng mọi yêu cầu của con vô điều kiện, giúp con thỏa mãn mọi nguyện vọng, không cần con phải tự làm bất kỳ việc gì, cha mẹ sẽ làm thay tất cả,... nghe thì có vẻ như là cha mẹ đang thương con, bù đắp những thiếu thốn trước đó cho con, nhưng thực chất là đang hại con.
Anh chị của tôi vì có thời gian dài lao động ở nước ngoài nên để con ở nhà cho ông bà chăm. Trong thời gian ở cùng ông bà, hai đứa cháu vẫn phải làm việc nhà được giao, tự làm các việc cá nhân dưới sự hướng dẫn của ông bà, vì thế hai đứa được đánh giá là ngoan ngoãn và chăm chỉ. Cho đến khi mẹ của hai đứa trở về thì mọi sinh hoạt trong nhà đảo lộn. Tất cả việc nhà của hai đứa đều được mẹ làm giúp, thậm chí cả những hoạt động vệ sinh cá nhân như tắm mẹ cũng tắm dùm cho dù con bé đã 12 tuổi.
Khi được ông bà nhắc nhở phải để chúng tự làm những việc cơ bản trong nhà thì mẹ chúng lý giải rằng: Bao năm qua con không chăm sóc được cho hai đứa nên bố mẹ cứ để con giúp chúng nó một thời gian để bù đắp khoảng thời gian qua.
Và rồi, hiện giờ một đứa 15, một đứa 18 tuổi vẫn không hề động chân tay làm việc nhà, mỗi khi bị sai làm gì thì chúng nói “con không biết làm", vậy là xong chuyện. Sáng chị phải dậy sớm đi chợ, nấu sẵn bữa sáng, trưa, tối 6h mới tan ca lại lọ mọ lo cơm nước dọn dẹp trong khi 2 đứa con nằm xem tivi hoặc ôm Ipad.
Yêu thương con, muốn con được sống sung sướng thoải mái không sai. Nhưng đừng biến chúng thành kẻ vô dụng, là gánh nặng của cha mẹ:
* Để chúng làm việc nhà để ít nhất chúng cũng có ý thức biết gọn gàng sạch sẽ.
* Để chúng làm việc nhà để chúng biết mình phải có trách nhiệm khi sống trong tập thể chung.
* Để chúng làm việc nhà vì đó là những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống mà một người phải biết.
* Để chúng làm việc nhà để chúng biết “có làm mới có ăn" không ai ngồi không mà được hưởng thụ.
Một đứa trẻ chỉ biết hưởng thụ thành quả của người khác, sẽ không có mục tiêu để nỗ lực phấn đấu thì nó sẽ mãi chỉ là đứa trẻ trong hình hài người lớn.
Chúng ta không thể làm giúp con cả cuộc đời, rồi chúng cũng phải trưởng thành, cũng bước ra ngoài xã hội, cũng phải có gia đình riêng. Đừng để một ngày chúng nói với bạn rằng “tại bố mẹ không cho con làm những việc này từ nhỏ".