Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trân trọng cảm ơn những cống hiến quý báu của các đồng chí Cựu Chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và các gia đình chính sách, các Mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với cách mạng. Đồng chí cũng cho biết, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, TP Hà Nội cũng luôn có các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa thiết thực cho các gia đình chính sách. Vừa qua, Thành ủy đã chỉ đạo UBND TP xây dựng và triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 7.798 hộ gia đình người có công hiện có nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng với tổng kinh phí gần 379 tỷ đồng từ ngân sách và sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Phấn đấu đến ngày 27/7/2017, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, TP sẽ hoàn thành toàn bộ kế hoạch sửa chữa, xây dựng mới nhà cho toàn bộ các hộ gia đình người có công với cách mạng. |
Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến: Thêm tự hào, ý chí để phát triển Thủ đô
Kinhtedothi - Sáng nay 10/12, trong niềm phấn khởi và tự hào cùng cả nước hướng tới ngày kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật với các đồng chí đại biểu cựu Chiến binh, cựu Thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và đại diện gia đình chính sách trên địa bàn Thủ đô.
Tới dự có Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ôn lại truyền thống hào hùng của những ngày toàn quốc kháng chiến. Cách đây vừa tròn 70 năm - ngày 19/12/1946, trước hành động của thực dân Pháp với âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi đã thể hiện ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đúng 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, Nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. Mặc dù, lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947), tạo điều kiện để T.Ư Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, tản cư được phần lớn Nhân dân, đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị công nghiệp lên chiến khu,.... góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Thắng lợi của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến mà tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội là sự cổ vũ rất lớn để quân và dân ta liên tiếp đánh thắng thực dân Pháp làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 19/12/1946, ngày 07/5/1954 và ngày 30/4/1975 mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là biểu tượng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, góp phần quan trọng vào phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thủ đô Hà Nội sau 70 năm ngày Toàn Quốc kháng chiến đã có những bước phát triển vượt bậc, đánh dấu vai trò của một Trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước. Không chỉ luôn là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định, TP Hà Nội còn được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Hoà bình”. Đặc biệt, sau 30 năm đổi mới, Hà Nội trở thành trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế tầm khu vực, là thị trường sôi động với quy mô dân số lớn, là đầu mối trung chuyển nhiều hàng hóa của miền Bắc Việt Nam, nằm trong hành lang kinh tế các tiểu vùng sông Mê Kông. Sau hơn 8 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô đã có bước phát triển toàn diện: Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2016 ước đạt 8,03%.
Hà Nội là địa phương được đánh giá cao về huy động vốn đầu tư xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, TP còn chú trọng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng cải thiện; công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nhiều tiến bộ rõ rệt; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang dần được đẩy lùi.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cũng là dịp để TP tôn vinh, biểu dương các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, Thanh niên xung phong đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cả những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các gia đình chính sách trên địa bàn Thủ đô. Những tấm gương anh hùng ấy sẽ không chỉ tiếp thêm tinh thần, ý chí, sức chiến đấu, lao động và học tập cho mỗi người dân Thủ đô mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đồng thời nhắc nhở, thôi thúc tuổi trẻ hôm nay nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi gặp mặt, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã xúc động ôn lại những ngày tháng hào hùng của 60 ngày đêm lịch sử. Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng ông Nguyễn Tiến Năng vẫn nhớ như in khi cùng đồng đội dù chỉ có vũ khí đơn giản, phải đối mặt với quân Pháp thiện chiến có cả xe tăng, vũ khí hạng nặng, nhưng đã chiến đấu quả cảm, giành giật với kẻ thù từng ngôi nhà, từng ngõ phố, làm thất bại âm mưu của địch. Còn với Đại tá Nguyễn Mạnh Hải, giây phút được cầm súng để tấn công sau khi nghe pháo hiệu từ Pháo đài Láng hay khoảnh khắc từ biệt Thủ đô để hẹn ngày trở lại đến nay vẫn thật xúc động, oanh liệt. Bây giờ chứng kiến Hà Nội đổi thay, đẹp hơn từng ngày, ông càng thấy vui hơn, hạnh phúc hơn rất nhiều.