Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: 3 lực lượng thanh tra sẽ hoạt động độc lập

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, 3 lực lượng thanh tra tham gia vào kỳ thi sẽ hoạt động độc lập, đảm bảo yêu cầu “không có khoảng trống”, “không có điểm hở”.

 Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, năm nay dự kiến sẽ có 80.000 thí sinh tham gia kỳ thi. Ảnh: Bảo Trọng
Kỳ thi nhiều trường đại học mong đợi
Sáng nay (5/6), Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là kỳ thi quan trọng, nghiêm túc bậc nhất, đánh giá cả quá trình học tập của học sinh, giảng dạy của giáo viên ở cấp phổ thông. “Việc tổ chức kỳ không chỉ đơn thuần là công nhận tốt nghiệp, nó còn là cơ sở, căn cứ cho nhiều trường đại học xem xét, xét tuyển đầu vào” – ông Nhạ nhấn mạnh.
Ông Nhạ cho biết, tại hội nghị sáng nay hoan nghênh 56 địa phương có lãnh đạo tỉnh dự họp, còn 7 địa phương không có lãnh đạo tỉnh tham gia là rất đáng tiếc. Bởi, đây là kỳ thi rất quan trọng, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương phải nâng cao trách nhiệm, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kỳ thi này.
Trao đổi về những nội dung căn bản của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), có 5 điểm mới trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, kỳ thi có sự tăng cường tự chủ của các địa phương, chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình; thời gian thi tổ chức trong 2 ngày (9 và 10/8); các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi, chỉ tham gia các đoàn thanh tra; có sự tham gia của lực lượng Thanh tra Chính phủ; thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.
Trong kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung một số mảng lớn, như việc xây dựng hành lang pháp lý, cung cấp đề thi, hạ tầng, làm công tác thanh, kiểm tra cùng hệ thống thanh tra ở địa phương.
Với các địa phương, ông Trinh cho rằng, cần khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo để hoạch định, tổ chức ở địa phương như nào, giao các sở, ngành ra sao. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung công tác bảo quản, in sao bài thi, chấm thi.
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thành phần dự hội nghị trực tuyến có đại diện 11 sở, ngành liên quan để kịp thời nắm bắt, điều chỉnh và xây dựng các nội dung liên quan kỳ thi THPT.
Theo đó, năm nay, Hà Nội dự kiến có 80.000 thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng gần 2.000 thí sinh so với năm 2019. Xác định tầm quan trọng của kỳ thi, UBND TP Hà Nội đã tiến hành phân cấp đến từng cơ quan chuyên môn để đảm trách phần việc trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Sở GD&ĐT Hà Nội được giao nhiệm vụ chuẩn bị đề án thành lập Ban Chỉ đạo. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn được phân công xây dựng kế hoạch chi tiết liên quan kỳ thi; triển khai tập huấn, quán triệt, đặc biệt là quy chế thi tới 80.000 thí sinh; chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí, chuẩn bị nhân sự với sự góp mặt của 8.700 cán bộ coi thi, hơn 1.300 cán bộ phục vụ kỳ thi.
Thanh tra sẽ hoạt động độc lập
Trao đổi về lực lượng thanh tra tại kỳ thi, nhiều địa phương đã tỏ ra lo ngại bởi sự xuất hiện của lực lượng này ở nhiều cấp, nhiều thành phần, có thể gây chồng chéo.
Cụ thể, đại diện điểm cầu TP Đà Nẵng nêu giả định, nếu thanh tra thành phố thiếu nhân lực, việc điều động lực lượng thanh tra thuộc sở GD&ĐT thì liệu có thể xảy ra trùng hợp 2 lực lượng này không?
Hay tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên, đại diện địa phương này cho biết, dự kiến năm sẽ có 11.400 thí sinh tham gia kỳ thi, huy động khoảng 2.000 cán bộ, giáo viên thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Với quy mô một kỳ thi như vậy, đại diện tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn cụ thể, tránh chồng chéo các lực lượng thanh tra tham gia vào kỳ thi.
Lo ngại việc bố trí 3 lực lượng thanh tra gặp khó khăn, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi: “Từng điểm thi sẽ bố trí lực lượng 3 thanh như nào? Có đủ cả 3 thanh tra hay chỉ là lực lượng thanh tra của sở GD&ĐT, đó là lực lượng thanh tra cố định, tại chỗ”.
Chia sẻ về hoạt động thanh tra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các nội dung liên quan đến kỳ thi để nâng cao tính phòng ngừa, chứ không phải tập trung xử lý sai phạm hay gây căng thẳng. “Bộ GD&ĐT đã làm việc với Thanh tra Chính phủ để trước hết không trái luật và phối hợp nhịp nhàng trong quá trình tổ chức kỳ thi” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Về nguyên lý hoạt động của lực lượng thanh tra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, sẽ tổ chức thanh tra độc lập giữa 3 đoàn thanh tra. Nếu là thanh tra của Bộ GD&ĐT, sẽ tham mưu cho Bộ về các hoạt động liên quan. Tương tự, lực lượng thanh tra ở tỉnh sẽ tham mưu cho địa phương về các hoạt động liên quan kỳ thi.
Theo ông Thưởng, trong công tác thanh tra ở 3 lực lượng (sở, bộ, tỉnh), tại phần hướng dẫn, Bộ sẽ nêu rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, phương pháp và trách nhiệm. “Mọi công đoạn của công tác thi đều được kiểm tra, thanh tra, với yêu cầu “không có khoảng trống”, “không có điểm mờ”. Các thành viên trong đoàn thanh tra sẽ phải trải qua kỳ kiểm tra về kiến thức, kỹ năng (bài test), nếu đạt mới được thực hiện nhiệm vụ” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói thêm.