Chu đáo trong khâu tổ chức thi
Thông tin cụ thể về tình hình tổ chức Kỳ thi đến 17 giờ ngày 8/7/2021, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết: Để chuẩn bị cho tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã thành lập BCĐ cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và phân công trách nhiệm cho các thành viên BCĐ; ban hành đầy đủ quy chế và hệ thống các văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi. Bộ cũng đã chủ động gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành và cơ quan liên quan phối hợp chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi.
Bộ GD&ĐT xây dựng đề thi (chính thức và dự bị) cho Kỳ thi và đã chuyển giao đề thi đến các Hội đồng thi ở các địa phương để tổ chức thi theo kế hoạch. Theo đánh giá của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, không đánh đố thí sinh, có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm 2021; phần mềm chấm thi trắc nghiệm bảo đảm chấm thi chính xác, ngăn ngừa sự can thiệp từ phía người sử dụng. Các phần mềm này đã được nghiệm thu và tập huấn cho các địa phương, đơn vị.
Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm giám sát Kỳ thi, nhất là công tác chuẩn bị và coi thi, chấm thi; kịp thời phát hiện và xử lý các hạn chế, bất cập để hỗ trợ các Hội đồng thi tổ chức thi nghiêm túc, an toàn. Đặc biệt tại tất cả các điểm thi đều có các cán bộ, giảng viên của các trường đại học được cử về làm nhiệm vụ giám sát tất cả các khâu của quá trình thi.
Tất cả các tỉnh, TP trực thuộc TƯ đã thành lập BCĐ thi cấp tỉnh, có đầy đủ các sở, ban, ngành liên quan tham gia. Nhiều tỉnh đã thành lập BCĐ thi cấp huyện. BCĐ đã phân công, giao nhiệm vụ, trách nhiệm rất cụ thể, rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân tham gia. Nhiều tỉnh đã ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hoặc Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức kỳ thi; qua đó, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng tham gia tổ chức, hỗ trợ tổ chức Kỳ thi tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, trưởng BCĐ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cấp quốc gia chủ trì buổi họp báo |
Các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Y tế và Bộ Công an và đã tích cực phối hợp triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm an ninh, an toàn cho các khâu tổ chức kỳ thi và các hoạt động. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương đã tích cực triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, tham gia đảm bảo an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi,… Các tổ chức đoàn thể có nhiều hình thức hỗ trợ kịp thời thí sinh, nhất là khi nảy sinh tình huống bất thường trong quá trình dự thi.
Kỳ thi tổ chức thành công và an toàn
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết: Tổng số thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 năm 2021 là 1.021.340; tổng số thí sinh dự thi: 981.773 (đạt tỷ lệ 96,13%). Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi là 23.569 (chiếm tỷ lệ 2.31%). Cả nước có 2.233 điểm thi với 43.139 phòng thi. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các TP lớn.
Sau 2 ngày thi, số thí sinh vi phạm Quy chế thi, bị đình chỉ thi là 18; không có cán bộ vi phạm quy chế thi. Công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Theo đề nghị và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 16/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường chỉ đạo sở GD&ĐT và các sở, ban ngành liên quan của địa phương nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh để triển khai tổ chức kỳ thi trên địa bàn phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi.
Theo đó, tăng cường tuyên truyền về chủ trương tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh để tạo sự đồng thuận của xã hội; quán triệt đầy đủ để thí sinh, người tham gia tổ chức thi nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế và hạn chế tối đa việc đi đến những nơi không thật cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng trong quá trình tham gia kỳ thi.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như bố trí bộ phận y tế chuyên trách tại Điểm thi, khử khuẩn toàn bộ các điểm thi, đo thân nhiệt, cung cấp nước sạch và xà phòng rửa tay, khẩu trang cho các thí sinh dự thi... cập nhật thường xuyên tình hình thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, gồm các thí sinh ở những nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid -19 và các thí sinh thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của ngành Y tế để có phương án xử lý phù hợp.
Bố trí điểm thi dự phòng và các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để chủ động xử lý các tình huống cụ thể phát sinh (phát hiện thí sinh thuộc diện F0 và F1, F2 liên quan và phát hiện thí sinh thuộc diện F1 và F2 liên quan trước và trong các ngày thi hoặc các trường hợp thí sinh có biểu hiện ho, sốt hoặc các dấu hiệu liên quan đến dịch bệnh Covid -19 trong quá trình dự thi) theo nguyên tắc bảo đảm an toàn trong tổ chức thi và công bằng cho các thí sinh, tuyệt đối không gây hoang mang hoặc tạo áp lực tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến việc dự thi của thí sinh; thực hiện phân luồng đi lại trong điểm thi và tránh việc tụ tập đông người bên ngoài Điểm thi để bảo đảm an ninh, an toàn cho Điểm thi cũng như công tác phòng chống dịch Covid -19 trong cộng đồng.
Kết luận tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá: "Được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến phức tạp khó lường nhưng với quan tâm sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong việc xây dựng kịch bản khoa học, bài bản, linh hoạt trong mọi tình huống, tinh thần đồng thuận của nhân dân, nỗ lực của thầy giáo cô giáo với phương châm “Lấy quyền lợi của học sinh làm gốc”, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (đợt 1) đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy chế".
Về thông tin đề thi môn Toán bị đưa lên mạng xã hội vào chiều 7/7, ông Mai Văn Trinh cho biết: Buổi thi Toán chiều 7/7, 16 giờ kết thúc thời gian làm bài thì 15 giờ 55, đề thi Toán bị đưa lên mạng xã hội. Đây được xác định là hiện tượng đề thi bị “lọt”. Ngay sau khi nắm được sự việc, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an tích cực, quyết liệt các biện pháp và đã xác định được thí sinh vi phạm thi tại điểm thi trường THPT Lệ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thí sinh vi phạm bằng cách mang điện thoại di động vào phòng và chụp đề thi chuyển ra ngoài nhờ trợ giúp. Thí sinh này sau đó bị lập biên bản, đình chỉ thi; các cán bộ coi thi đã phải viết tường trình và dừng coi thi các buổi thi sau. Hiện cơ quan chức năng tích cực xác minh, làm rõ sự việc; căn cứ mức độ vi phạm sẽ xử lý đúng quy định và đúng quy chế thi. |