Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng bứt phá xuất khẩu 2021

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù bước sang năm 2021 chưa đầy 1 tháng, song hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có sự khởi sắc rõ rệt. Tổng kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 1/2021 đạt 12,9 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD (tương đương hơn 18,3%) so với cùng kỳ năm 2020. Đây là sự khởi đầu ấn tượng, dự báo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu năm 2021 giữ đà tăng trưởng và duy trì xuất siêu.

7 nhóm hàng xuất khẩu đạt tiền tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu năm 2021, Việt Nam có tới 4 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ 2020. Nhóm hàng mới đạt được con số tỷ USD là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch 1,45 tỷ USD, tăng mạnh tới 72% so với cùng kỳ 2020. 3 nhóm hàng, gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may vẫn duy trì kim ngạch tỷ USD như thời điểm 1 năm trước. Trong đó, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đạt 2,86 tỷ USD, tăng tới gần 1,5 tỷ USD (cùng kỳ 2020 đạt hơn 1,3 tỷ USD). Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 2 với 1,7 tỷ USD, tăng hơn 10%; dệt may đạt gần 1,23 tỷ USD, giảm hơn 200 triệu USD.
 Xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
Một tin vui nữa khi ngay trong những ngày đầu tháng 1/2021, hàng loạt các đơn hàng xuất khẩu nông, thủy sản đã được DN xuất đi. Mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ công bố xuất khẩu lô gạo đầu tiên của năm 2021. Theo đó, lô hàng có tổng khối lượng 1.600 tấn gạo thơm (Jasmine 85 và Hương Lài) của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An được xuất sang Singapore và Malaysia.
Bên cạnh đó, DN này còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn chuẩn bị xuất sang Đức, hưởng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Không chỉ mặt hàng gạo, các mặt hàng thủy sản (tôm, mực, cá ngừ, bạch tuộc) và trái cây (thanh long, dưa lê…) cũng đã được các DN xuất khẩu sang các thị trường: EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia và Trung Quốc.

Duy trì nhịp độ xuất siêu

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực. Các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã và đang trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế sang thị trường các nước thành viên. Ngoài ra, năm 2021 cũng kỳ vọng sự dịch chuyển luồng đầu tư của các DN FDI từ các nước trong khu vực sang Việt Nam, định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng các ưu đãi mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%, ngành công thương phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8% so với năm 2020; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4 - 5% so với năm 2020; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Do vậy, giải pháp mấu chốt mà ngành công thương triển khai là ưu tiên các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết; nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam (sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán…).

Đơn cử như với lĩnh vực dệt may, trong xu thế giảm giá, hàng hóa dệt may đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất của DN dệt may sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện những yêu cầu về năng lực sản xuất mới.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ, năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD (bằng năm 2020). Để đạt mục tiêu này, Vinatex chú trọng nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng với tình hình mới. Cụ thể, tập trung bổ sung, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối chuỗi trong các DN thành viên, tăng hiệu quả hoạt động của các DN có vốn tập đoàn chi phối, số hóa công tác quản trị và phát triển hài hòa các mảng sợi, vải, may.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, năm 2021, trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các FTA thế hệ mới, kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phục hồi, khởi sắc hơn và xuất khẩu chắc chắn cũng tăng mạnh cùng đà tăng trưởng kinh tế. Do đó, để tận dụng tốt những cơ hội từ các FTA, trước mắt, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả về tài chính, tiền tệ và thông tin thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành hàng, sản phẩm và DN; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ và cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

TS Nguyễn Minh Phong khuyến nghị, đối với hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tập trung ở các nhóm ngành hàng chủ lực, có tiềm năng phát triển như nhóm nông sản, nhóm công nghiệp chế biến. Đồng thời, triển khai các chương trình quảng bá liên tục, mới mẻ và hấp dẫn nhằm củng cố nhận diện và nâng tầm hình ảnh, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và tăng cường xuất khẩu hàng qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Mặt khác, chủ động nghiên cứu thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật khắt khe nhất.

Đưa ra các giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ DN xuất khẩu ứng phó và chủ động trước dịch Covid -19. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu, quảng bá ngành hàng, sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của vùng, miền và tập trung thực hiện quảng bá sâu rộng tối thiểu mỗi năm 3 - 5 ngành hàng vào các thị trường trọng điểm. Đồng hành cùng DN khai thác tối đa lợi thế từ các FTA, Bộ Công Thương và hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại các nước tiếp tục triển khai các chương trình hành động thực thi, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường.

Ở góc độ đại diện cho cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Bộ Công Thương phải làm tốt vai trò điều phối trong thực thi FTA, dẫn dắt DN thực thi các FTA quyết liệt, hiệu quả hơn.
Về phía DN, cần khẩn trương thay đổi tư duy tiếp cận, nâng nội lực để đủ sức tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu.