Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát toàn cầu dai dẳng có nguy cơ buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới phải kéo dài lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn, làm tiêu tan kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra.
Trong báo cáo về thị trường hàng hóa toàn cầu được công bố hôm 25/4, WB nhấn mạnh cuộc xung đột Hamas - Israel tại Dải Gaza đã khiến căng thẳng leo thang khắp khu vực, gây áp lực lên giá các mặt hàng quan trọng, đáng chú ý là dầu mỏ và vàng.
Giá hàng hóa toàn cầu đã giảm 40% từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, trong đó dầu, khí đốt và lúa mì giảm mạnh. Theo WB, điều này đã giúp kéo giảm lạm phát toàn cầu khoảng 2%.
Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2023 đến nay, căng thẳng địa chính trị kéo dài đã đẩy giá dầu và nhiều loại hàng hóa quan trọng khác đi lên ngay cả khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Ví dụ, giá dầu thô Brent đã tăng lên 91 USD/thùng vào đầu tháng này, cao hơn gần 34 USD/thùng so với mức trung bình giai đoạn 2015-2019.
Hiện, căng thẳng ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" sau hơn 200 ngày kể từ khi cuộc xung đột giữa Hamas-Israel bùng phát hồi tháng 10/2023. Israel đang lên kế hoạch tấn công thành phố Rafah bất chấp cảnh báo từ các đồng minh rằng một hành động như vậy sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
WB dự báo, giá hàng hóa sẽ giảm ít nhất 3% trong năm 2024 và 4% vào năm 2025. Kịch bản khả quan này vẫn sẽ khiến giá cao hơn khoảng 38% so với mức trung bình từ năm 2015 đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2020.
Theo báo cáo, đà giảm giá hàng hóa chậm lại sẽ khiến lạm phát khó có thể quay về mức mức mục tiêu để các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cân nhắc việc bắt đầu đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ.
Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao của WB nhận định: “Lạm phát toàn cầu vẫn chưa được kiềm chế. Động lực chủ yếu để giảm lạm phát – giá hàng hóa giảm – về cơ bản đã chấm dứt. Điều đó có nghĩa là mức lãi suất cao hiện tại dự kiến sẽ được duy trì trong năm nay và năm tới.
Theo chuyên gia Gill, thế giới đang ở thời điểm dễ bị tổn thương, do đó một cú sốc năng lượng lớn có thể làm suy yếu phần lớn tiến bộ trong việc giảm lạm phát trong 2 năm qua.
Báo cáo của WB đề cập đến kịch xấu nhất là giá dầu mỏ tăng nhanh có thể đẩy lạm phát toàn cầu lên cao. WB dự kiến, giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 84 USD/thùng trong năm nay và khoảng 79 USD/thùng vào năm 2025.
Tuy nhiên, nếu xung đột ở Trung Đông tiếp tục leo thang, giá “vàng đen” toàn cầu có thể biến động mạnh do tình trạng gián đoạn nguồn cung.
WB ước tính việc gián đoạn nguồn cung liên quan đến xung đột ở mức vừa phải có thể đẩy giá trung bình của một thùng dầu thô Brent lên 92 USD/thùng, trong khi sự gián đoạn nghiêm trọng có thể đẩy giá dầu lên hơn 100 USD/thùng.
WB cảnh báo với kịch bản xấu nhất này, lạm phát toàn cầu có thể tăng gần 1% trong năm nay.
Chuyên gia cấp cao Ayhan Kose của WB cho biết, vấn đề quan trọng là giá hàng hóa hiện tại đang đối mặt nhiều rủi ro từ căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu. “Các ngân hàng trung ương sẽ thận trọng hơn trong việc đưa ra quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ giữa lúc lạm phát vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn” -chuyên gia Kose nói.
Theo báo cáo của WB, giá vàng dự kiến cũng leo dốc mạnh nếu căng thẳng ở Trung Đông diễn biến nóng. WB dự báo giá vàng sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2024 trước khi giảm nhẹ vào năm 2025.
Cảnh báo lạm phát của WB càng làm tăng thêm sự bi quan về triển vọng cắt giảm lãi suất mạnh trên toàn thế giới.
Hồi tháng 3 vừa qua, các nhà đầu tư đã kỳ vọng sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất ở cả Mỹ và Anh. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ “nóng” hơn dự kiến và chi phí nhiên liệu tăng cao ở Anh, thị trường hiện dự báo sẽ chỉ còn 2 đợt hạ lãi suất trong năm nay.
Lạm phát tại Mỹ trong tháng 3 tăng cao hơn dự báo tiếp tục củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất trước tháng 9 năm nay.
WB cho rằng ngoài việc trì hoãn cắt giảm lãi suất và xung đột tại Trung Đông có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, vốn đã xấu đi vào năm ngoái do các cuộc xung đột vũ trang và giá lương thực tăng cao.