Với cương vị cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (2008-2012), chứng kiến những mốc chuyển giao lớn trong quan hệ song phương hai nước, ông có nhận định gì về chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần này?
Năm 2006, khi tôi được tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản, thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe lần đầu nhậm chức, hai bên đã thống nhất một tuyên bố chung tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đến năm 2009, với chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước mới chính thức có quan hệ đối tác chiến lược nhưng từ phía nước bạn thì đã coi như có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam từ năm 2006. Kể từ đó, nhiều mốc hợp tác then chốt đã diễn ra như ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) năm 2008. Năm 2012, Thủ tướng Abe tái đắc cử và trong chuyến thăm Việt Nam năm 2013 đã nâng quan hệ hai bên lên đối tác chiến lược sâu rộng. Có thể nói Việt Nam và Nhật Bản đang ở đỉnh cao của quan hệ hợp tác chiến lược hai bên.
Có thể nói Thủ tướng Shinzo Abe là người “có duyên” với Việt Nam. Qua hai lần lên nắm quyền năm 2006 và tái đắc cử vị trí Thủ tướng năm 2013, ông đều chọn Việt Nam là quốc gia công du đầu tiên. Trong năm nay, sau chuyến thăm sắp tới, dự kiến ông sẽ tham dự APEC vào cuối năm 2017; trở thành nguyên thủ hai lần tham dự sự kiện ngoại giao này tại Việt Nam. Sắp tới là lần thứ 3 Thủ tướng Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam. Về cả quan hệ ngoại giao song phương lẫn quan hệ cá nhân, Thủ tướng Shinzo Abe là nhân vật đặc biệt gần gũi với Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản là đối tác trên nhiều lĩnh vực. Trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nhật Bản, dự kiến các vấn đề hợp tác trọng tâm nào sẽ được đề cập đến, thưa ông?
Trong các tuyên bố chung, văn bản cấp cao từ trước tới nay, có 3 trụ cột chính trong hợp tác hai nước là: Hạ tầng cơ sở, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực. Thời gian qua, hợp tác song phương trên các lĩnh vực này rất mạnh mẽ. Về kinh tế, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác hàng đầu về vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp (FDI). Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam triển khai từ năm 2003 cho tới nay đã trải qua giai đoạn VI. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng duy trì chương trình rà soát luật pháp để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hội nhập. Các lĩnh vực hải quan điện tử, cải cách thuế quan điện tử của Việt Nam đều có sự hỗ trợ tích cực từ Nhật Bản. Trong thời gian tới, hai bên có thể tiếp tục đẩy mạnh các hợp tác trên, đồng thời mở thêm cơ hội phát triển công nghệ cao, chống biến đổi khí hậu, cải thiện năng lượng… Theo tôi, đó là những nội dung tiếp tục được hai bên triển khai thúc đẩy và sẽ được đề cập trong chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe lần này.
Đặc biệt, nông nghiệp công nghệ cao có thể là lĩnh vực tiềm năng hợp tác sâu rộng giữa hai bên thời gian tới. Nhật Bản sản xuất nông nghiệp trên mô hình nông hộ, tương đồng với Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản mới đáp ứng được 40% nhu cầu lương thực thực phẩm trong nước, với nhu cầu chất lượng cao và khẩu vị riêng biệt. Các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có điều kiện phù hợp để sản xuất lương thực thực phẩm công nghệ cao và xuất khẩu sang Nhật Bản. Về phía Việt Nam là một cơ hội tốt để cải cách cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung đẩy mạnh công nghệ cao.
Cùng là thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), liệu Thủ tướng Nhật Bản có đề cập các vấn đề liên quan TPP trong chuyến thăm này?
Để tham gia được hiệp định này, bản thân Nhật Bản đã xác định “hy sinh” một số lợi ích do phải gỡ bỏ một số quy định bảo hộ nông nghiệp. Nhật Bản là nước đầu tiên phê chuẩn TPP và sau khi có kết quả ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Abe đã ngay lập tức có chuyến công du tới Mỹ. Qua đây có thể thấy, Nhật Bản có lợi ích lớn khi tham gia TPP và đóng vai trò chủ chốt trong TPP. Dù chính quyền Mỹ, “đầu tàu” của TPP có biến chuyển, nhưng không loại trừ khả năng sẽ có sự thương lượng lại điều kiện để TPP tiếp tục “sống” và Thủ tướng Abe sẽ tiếp tục theo đuổi những hy vọng này. Theo tôi, Việt Nam có nhiều lý do hơn Nhật Bản để theo đuổi Hiệp định này. Một khi TPP có hiệu lực, quy mô thị trường tự do đối tác song phương với Việt Nam còn lớn hơn Nhật Bản.
Đâu là chất xúc tác then chốt trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cũng như mối hữu nghị giữa hai dân tộc?
Việt Nam và Nhật Bản là hình mẫu quan hệ bổ sung cho nhau. Một quốc gia đang phát triển với nhu cầu lớn về vốn, công nghệ, kinh nghiệm phát triển như Việt Nam cần hỗ trợ từ Nhật Bản. Trong khi đó, Nhật Bản đang tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao; cũng như cần củng cố vị thế khu vực Đông Bắc Á. Việt Nam có vị thế tiếng nói trong khu vực Đông Nam Á có thể trở thành mối liên kết với Nhật Bản. Bên cạnh đó, thị trường 90 triệu dân nhiều tiềm năng và điều kiện đầu tư thuận lợi của Việt Nam cũng được các DN Nhật Bản quan tâm khai thác. Phương châm hai bên cùng có lợi, cùng thắng (Win-Win) trong mối quan hệ Việt Nam- Nhật Bản rất rõ ràng.
Xin cảm ơn ông!