Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Tuyên Quang: Doanh nghiệp phải chủ động vươn lên Với các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, liên kết lại với nhau là yêu cầu khi tham gia các sân chơi. Hiện cũng đang có xu hướng liên doanh, liên kết tạo sức mạnh, tạo số lượng hàng hoá lớn, điều tiết thị trường. Chúng tôi đang đặt mục tiêu là các DN ký cam kết sử dụng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của nhau, có chính sách ưu đãi bán hàng giảm giá cho các hội viên tối thiểu 1%... Cách làm này nhằm giúp các DN nội tiêu thụ sản phẩm của nhau. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới, Chính phủ chỉ có thể đóng vai trò định hướng, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Còn lại thì các tổ chức, hiệp hội, ngành nghề và bản thân DN phải chủ động vươn lên để cạnh tranh.
Bà Ngô Thị Ngọc Mai - Chủ tịch HĐQT Công ty CP VQC: Niềm tin vào các quyết sách Công ty CP VQC là đơn vị chuyên nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh dược liệu quý như nấm linh chi, nấm lim xanh... Bên cạnh đó, VQC cũng là đơn vị có nhiều sáng tạo trong ứng dụng dược liệu quý vào sản xuất các dòng sản phẩm thực phẩm chức năng. Với đặc thù kinh doanh, thời gian qua, DN cảm nhận rõ sự vào cuộc của TP Hà Nội trong việc cụ thể hóa những chính sách hỗ trợ cho DN, trong đó có DN mới khởi nghiệp. Bên cạnh các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh và thuận tiện hơn thì DN được tạo nhiều điều kiện về ưu đãi thuế, có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất thấp, hoạt động xuất nhập khẩu của DN cũng thuận lợi hơn... Nếu những nghị quyết này được triển khai và thực hiện nghiêm túc, hy vọng Hà Nội sẽ là đầu tàu với những quyết sách đúng đắn trong cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN hoạt động.
Ông Đặng Anh Tú – Tổng Giám đốc Công ty Sơn NISHU: Nâng cao trách nhiệm vì doanh nghiệp Công ty Sơn NISHU Việt Nam thành lập từ năm 2005, hiện DN đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường sản xuất và cung ứng các sản phẩm về sơn và chất phủ tại Việt Nam với Nhà máy miền Bắc đặt tại KCN Đồng Văn (tỉnh Hà Nam), Nhà máy miền Trung đặt tại KCN Hòa Cầm (TP Đà Nẵng). Toàn bộ quá trình sản xuất tuân thủ theo tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản – JIS, tiêu chuẩn công nghiệp Mỹ ASTM và được kiểm soát bởi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, cũng như các sản phẩm đều phù hợp với quy chuẩn Việt Nam – QCVN 16:2014/BXD Thời gian qua, trong giai đoạn kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, song sự điều hành và điều quan trọng nhất là sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và chính sách tháo gỡ khó khăn đã giúp các DN vượt qua khó khăn. Đặc biệt, TP Hà Nội đã cụ thể hóa Nghị quyết 19 và 35 để nâng cao năng lực cạnh với nhiều cơ chế, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN hoạt động. Tuy nhiên, cùng với quyết tâm, quan trọng nhất hiện nay là cần đề cao kỷ luật thực thi nhiệm vụ của các bộ, ngành và hệ thống công chức. Có như vậy, những nỗ lực cải thiện mới có tác động mạnh mẽ tới các nhà đầu tư, các DN hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản...
Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy: Hoàn toàn có thể bắt nhịp xu hướng phát triển Là DN thuần Việt hoạt động trong lĩnh vực CNTT, Công ty CP MISA đã và đang từng bước dần khẳng định uy tín khi đưa ra những giải pháp tối ưu cho các DN lựa chọn, áp dụng công nghệ vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, DN mới khởi nghiệp với tôn chỉ cùng chung tay phát triển. Trải qua hơn 22 năm hình thành và phát triển, đến nay, MISA đã khẳng định vị trí của mình trong thị trường công nghệ. Những chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, định hướng phát triển công nghệ trình độ cao, cùng với kinh nghiệm của DN quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển phần mềm kế toán Việt Nam, đội ngũ của MISA đang lên kế hoạch đưa những sản phẩm CNTT của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường quốc tế với khát vọng đồng hành cùng DN Việt phát triển.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam: Định vị lại các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi Làn sóng hội nhập đang đến, tác động cộng hưởng của hội nhập với cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 4 sẽ tạo ra những áp lực cực lớn với cả cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân. Những lợi thế về tài nguyên và lao động sẽ suy giảm, thương mại quốc tế có xu hướng đảo chiều. Các lợi thế về địa kinh tế của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam có thể sẽ mất đi. Định vị lại nền kinh tế Việt Nam, định vị lại các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của các DN trong bối cảnh của hai cuộc cách mạng: Hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là vấn đề cần quan tâm hàng đầu của Việt Nam cũng như của cộng đồng DN và doanh nhân.
Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước ngọt Sông Đuống: Tri thức là nền tảng để hội nhập Ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, doanh nhân còn phải có trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với đất nước của mình, vì chúng ta đang điều hành DN, mỗi một DN làm tốt thì đất nước chúng ta mới phát triển và có nền tảng bền vững để sẵn sàng hội nhập với thế giới. Với doanh nhân nữ, sẽ có những khó khăn hơn so với nam giới trong thời điểm hội nhập sâu rộng hiện nay bởi ngoài công việc, họ còn có thiên chức làm vợ, làm mẹ. Tuy nhiên, với tính cần cù, thông minh của chị em phụ nữ Việt Nam, tôi nghĩ không có gì là không vượt qua được.
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam: Doanh nhân là nhà cải cách của nền kinh tế Quá trình hội nhập toàn cầu sâu rộng đang là yếu tố để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các doanh nhân chính là nhà cải cách của nền kinh tế. Tuy nhiên thách thức đặt ra với các DN Việt Nam là họ đang nằm ở điểm cuối thấp trong chuỗi giá trị sản xuất, công nghệ còn lạc hậu. Trong một số ngành như điện tử, đã có các quốc gia thống trị thị trường, nếu Việt Nam không cải thiện năng suất lao động thì khó có thể cạnh tranh được. Chính vì thế, Chính phủ và DN cần nỗ lực cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trong khu vực. |