Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lá phiếu tín nhiệm chứa đựng sức nặng niềm tin cử tri trao gửi

Hà My (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24 đến 25/10, ĐB Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Các ĐB cho rằng, lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của ĐB đối với người được lấy phiếu, mà còn chứa đựng sức nặng của niềm tin mà cử tri đã trao gửi. Do đó, ĐB Quốc hội không thể bỏ phiếu dựa trên cảm tính cá nhân.

Theo đó, các chức danh gồm: Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, các thành viên Chính phủ, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ... Việc lấy phiếu được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của từng người với ba mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

 Ngày 24 đến 25/10, ĐB Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. 

Không thể bỏ phiếu dựa trên cảm tính cá nhân
Theo Trưởng ban Công tác ĐB Trần Văn Túy, lấy phiếu tín nhiệm là việc hệ trọng nhưng cũng rất nhạy cảm. Lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của ĐB đối với người được lấy phiếu, mà còn chứa đựng sức nặng của niềm tin mà cử tri đã trao gửi.
Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của các ĐB Quốc hội. Vì sự tín nhiệm của cử tri, vì trách nhiệm đối với đất nước, ĐB Quốc hội không thể bỏ phiếu dựa trên cảm tính cá nhân. Lá phiếu của ĐB phải thực sự đại diện cho ý chí của cử tri, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. ĐB Quốc hội thay mặt cử tri đánh giá năng lực, phẩm chất của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng là dịp để ĐB Quốc hội và người được lấy phiếu tự soi lại chính mình. Không ai khác, cử tri là người sẽ giám sát việc thực hiện trách nhiệm bỏ phiếu của ĐB. Thực tế, qua hai lần lấy phiếu, ĐB Quốc hội đã thực hiện đúng chức năng và trách nhiệm cao.
 ĐB Trần Văn Túy
Trưởng ban Công tác ĐB lưu ý: Đối với người được lấy phiếu, ngoài báo cáo kết quả thuộc lĩnh vực mình phụ trách, vừa giữ vững kỷ luật, kỷ cương vừa năng động, sáng tạo, cần tự kiểm điểm, đánh giá bản thân một cách trung thực. Tránh tình trạng “tô hồng” khi tự đánh giá về bản thân. Những ý kiến đánh giá của cử tri, những phản ánh của truyền thông và báo chí là những kênh thông tin bổ ích để ĐB Quốc hội quyết định mức độ tín nhiệm với người được lấy phiếu. Về phía các ĐB, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác mức độ tín nhiệm của mình đối với người được lấy phiếu.
“Với kinh nghiệm được rút ra từ hai lần lấy phiếu trước đây, cùng với nguyên tắc dân chủ, công khai trong hoạt động của Quốc hội, tin rằng các ĐB sẽ thể hiện bản lĩnh, sự công tâm, sáng suốt nhất đối với mỗi lá phiếu tín nhiệm”, Trưởng ban Công tác ĐB Trần Văn Túy nhìn nhận.
Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các ĐB Quốc hội
Trước khi Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 6, có một số vị đã từng được lấy phiếu ở nhiệm kỳ trước bày tỏ với báo chí là kết quả của họ không thực sự chính xác, một phần do thông tin đến với ĐB chưa đầy đủ. Rút kinh nghiệm của các lần trước, kỳ này, các cơ quan của Quốc hội đã rất thận trọng. Cách đây khoảng 2 tuần đã gửi đến toàn bộ các ĐB Quốc hội báo cáo về hoạt động của các chức danh sẽ được lấy phiếu kỳ này.
Báo cáo công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm có nội dung tính từ thời điểm Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (tháng 7/2016), nêu kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; tự đánh giá, kiểm điểm về việc thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình...
 Đỗ Văn Sinh
Uỷ viên Thường trực UB Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho biết, đây là điểm tích cực, tuy nhiên, đó cũng chỉ là một kênh thông tin thôi. Còn yếu tố khác rất quan trọng là đánh giá của các ĐB Quốc hội trong quá trình giám sát, quá trình tổ chức thực hiện của các vị sẽ được Quốc hội đánh giá tín nhiệm kỳ này trong hơn 2 năm vừa qua.
ĐB Đỗ Văn Sinh cho rằng, đánh giá tín nhiệm là trách nhiệm của các ĐB Quốc hội và trách nhiệm này là ngang nhau với mỗi ĐB, thể hiện bằng 1 lá phiếu. Nhưng diện chức danh được lấy phiếu rất rộng - 48 người nên không phải ĐB Quốc hội nào cũng được tiếp xúc, nắm sâu thông tin về tất cả những người được lấy phiếu.
“Vậy thì cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các ĐB Quốc hội. Anh phải nâng cao hơn nữa nhận thức, nắm bắt được toàn bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực của đất nước, trong đó có lĩnh vực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm”, ĐB Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.
Còn theo ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, so với hai lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây (năm 2013 và 2014), lần này có cải tiến tích cực là ĐB nhận được hồ sơ của các chức danh sớm để có thời gian nghiên cứu. Nội dung hồ sơ mỗi chức danh khá đầy đủ các mặt công tác. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những báo cáo tự đánh giá một chiều; hơn nữa các tài liệu này đều được coi là bí mật nên ĐB không thể lấy ý kiến người dân về những bản tự đánh giá đó.
"Đây là hoạt động giám sát quan trọng, được người dân quan tâm, tôi sẽ đưa ra lá phiếu thật khách quan đúng với trách nhiệm người ĐB dân cử. Thời gian tới, Quốc hội cần nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng, cho phép công khai báo cáo công tác của từng chức danh cũng như lá phiếu cụ thể mà mỗi ĐB đưa ra", ĐB Dương Trung Quốc đề xuất.
Băn khoăn về ba mức tín nhiệm
Bên cạnh đó, một số ĐB còn băn khoăn về ba mức tín nhiệm. Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, việc lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động quan trọng, có giá trị đặc biệt để kiểm soát quyền lực các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
 “Mỗi khoá 5 năm chỉ bỏ phiếu một lần giữa nhiệm kỳ sẽ không đánh giá được đầy đủ, chính xác năng lực của các chức danh. Về lâu dài, tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét để việc đánh giá cán bộ được tiến hành thường xuyên hằng năm”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn.
Mặt khác, ba mức đánh giá khi lấy phiếu cũng là điều khiến ĐB Quốc hội này băn khoăn: “Chúng ta chỉ có ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Vậy những người không được tín nhiệm thì sao? Lâu nay đã có ý kiến đề xuất chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm theo hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Nhiều nước trên thế giới cũng chỉ có hai mức đánh giá ấy”.
 ĐB Dương Trung Quốc
Về vấn đề này, ĐB Dương Trung Quốc cũng cho rằng: “Chúng ta lấy phiếu tín nhiệm khác với nhiều nước là đưa ra ba mức, dù cao hay thấp đều là tín nhiệm. Tôi mong những năm tới việc này sẽ được cải tiến phù hợp với thông lệ quốc tế".
Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ trình cấp có thẩm quyền khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm.
Lấy phiếu được giải thích khác với bỏ phiếu ở chỗ, lấy phiếu với ba mức là để "đánh giá mức độ tín nhiệm", còn khi đã khởi động quy trình bỏ phiếu thì Quốc hội sẽ thể hiện sự tín nhiệm hoặc không (hai mức) đối với người được bỏ phiếu để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.