Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lạc quan hơn về sức khỏe ngân hàng Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong thông báo được gửi đi ngày 26/9, Standard & Poor’s cho biết đã nâng hạng đối với chỉ số quản trị rủi ro hệ thống (BICRA) của ngành ngân hàng Việt Nam từ nhóm 10 (rủi ro cực cao) về nhóm 9 (rủi ro cao).

Cùng với việc đưa đánh giá rủi ro toàn hệ thống từ nhóm 10 về nhóm 9, hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ cũng vừa công bố nâng mức định hạng đối so 3 ngân hàng Việt Nam và giữ nguyên đối với 2 ngân hàng khác.

Với kết quả này, sàn xếp hạng đối với các ngân hàng thương mại chỉ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng được nâng từ mức b lên b+.

Lạc quan hơn về sức khỏe ngân hàng Việt - Ảnh 1

S&P đã lạc quan hơn với hệ thống ngân hàng và kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Với kết quả này, S&P cũng xem xét lại xếp hạng tín nhiệm của 5 ngân hàng Việt Nam là Ngoại thương (Vietcombank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Kỹ thương (Techcombank), Công thương (Vietinbank) và Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV). Theo đó, Vietcombank, Sacombank và Techcombank được nâng một bậc xếp hạng từ B+ lên BB- với triển vọng ổn định. Xếp hạng đối với Vietinbank và BIDV vẫn được giữ ở mức B+.

Đánh giá của S&P đối với 5 ngân hàng Việt Nam

Vị thế Lợi nhuận Rủi ro Nguồn vốn Thanh khoản
Vietcombank Mạnh Thấp Cân đối Trên trung bình Cân đối
Sacombank Mạnh Thấp Cấn đối Trên trung bình Cân đối
Techcombank Mạnh Thấp Cân đối Trên trung bình Cân đối
Vietinbank Mạnh Rất thấp Cân đối Trung bình Cân đối
BIDV Mạnh Rất thấp Cân đối Trung bình Cân đối

 

Theo lý giải của S&P, việc nâng xếp hạng BICRA đối với toàn hệ thống cũng như xếp hạng đối với 3 ngân hàng nêu trên cho thấy niềm tin của hãng này đối với những bất ổn của kinh tế Việt Nam đã phần nào giảm bớt sau những chính sách được thực hiện từ cuối năm 2011. Việt thắt chặt tiền tệ đã khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm nhiều so với mức trung bình 28% của 4 năm trước đó. Việc thắt chặt cho vay lĩnh vực phi sản xuất cũng khiến giá bất động sản giảm gần hơn với giá trị thực… Biểu hiện rõ nhất của những tiến bộ là việc đưa lạm phát giảm từ đỉnh 23% của tháng 8/2011 về 6,5% (tính theo năm) vào tháng 9/2012.

Tuy vậy, theo S&P, bất chấp những tiến bộ đạt được, nguy cơ bất ổn đối với kinh tế Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn, sau khi cơ quan chức năng đã có dấu hiệu nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng, cùng với đó là những nghĩ ngại xung quanh các cam kết về bình ổn giá. “Quá trình gây dựng lại niềm tin đối với hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ mới chỉ bắt đầu, do đó đòi hỏi sự quan tâm, quản lý thận trọng, đặc biệt là với vấn đề nợ xấu đang có dấu hiệu tăng cao”, báo cáo của S&P nhận định.