Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên 2017 ngày 12/12, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dù còn nhiều khó khăn những cộng đồng doanh nghiệp lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, đây trong một sự kiện dấu mốc lịch sử, kỷ niệm 20 năm ra đời của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2017 cũng là năm kỷ niệm 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thời điểm Việt Nam bắt đầu có Luật Đầu tư nước ngoài. Hành trình 20 năm thể hiện rõ sự đồng hành, sự chung tay của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp FDI nói riêng.
 TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn VBF.
20 năm qua đã có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết, rất nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh được chính các nhà đầu tư đã tư vấn cho Chính phủ Việt Nam. Thành quả to lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua chắc chắn có đóng góp quan trọng từ Diễn đàn doanh nghiệp này.
“Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới đến nay, đặc biệt là trong năm 2017 này, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp đã có những thay đổi lớn rất đáng ghi nhận” – TS Vũ Tiến Lộc nói.
Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân của Đảng được thông qua tại Hội nghị Trung ương 5 vào tháng 6/2017. Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã được Quốc hội thông qua sau đó một tháng. Nhiều nghị quyết của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia như loạt Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 35 được Chính phủ ban hành. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ban hành những chỉ thị cụ thể như chỉ thị 20 về giảm công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vào tháng 5 năm 2017…
Có thể nói với hàng loạt chính sách kể trên, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã tạo một đường hướng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia rõ ràng hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ vai trò của doanh nghiệp được nhấn mạnh và đề cao như hiện nay. Các tỉnh, thành đều đặt ra và cam kết thực hiện bằng được mục tiêu thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới.
Đáng ghi nhận là quá trình cải cách này đang chuyển động mạnh mẽ tại cấp bộ, ngành cũng như địa phương. Các bộ ngành đang chủ động tiến hành cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ. Bộ Công thương công bố kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực của mình thời gian qua là một điển hình. Ở cấp địa phương là phong trào đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và vướng mắc cho người kinh doanh, chưa bao giờ sôi động và thực chất như hiện nay. Các địa phương đều hoàn thành và vượt mục tiêu 2 cuộc đối thoại doanh nghiệp hàng năm theo yêu cầu tại Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Tuy nhiên, dù đã có những thay đổi tích cực nhưng chặng đường cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam còn gian nan, mục tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam so sánh được với các nước ASEAN 4 hay ASEAN 3 vẫn còn xa. Do đó, TS Vũ Tiến Lộc thẳng thắn chỉ ra, theo phản ánh của doanh nghiệp, chi phí kinh doanh tại Việt Nam cao và đang tăng nhanh. Mức lương tối thiểu tăng nhanh trong nhiều năm qua, cao hơn tốc độ tăng năng suất, kéo theo đó là gánh nặng đóng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn và các khoản phí bắt buộc khác… Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhưng chi phí logistic của Việt Nam cao và kém cạnh tranh với nhiều nước. Do vậy, các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá từ Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Một hạn chế lớn nữa là liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI thời gian qua chưa thành công, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển như mong muốn, nền kinh tế nước ta đang ngày càng phụ thuộc vào FDI, nhất là các tập đoàn lớn. “Nếu nhìn vào bức tranh chung cả nước thì khá tốt, nhưng có nhiều chỉ báo đáng lo ngại về sự yếu kém của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước” -. TS Vũ Tiến Lộc nói.
Điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn khó khăn, phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chưa chuyển động nhanh như mong muốn. Nhiều bộ, ngành còn chần chừ, chưa mạnh dạn cắt bỏ và đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm chi phí trong kiểm tra chuyên ngành…
Song, với những tuyên bố và hành động cải cách của Chính phủ và những kết quả đạt được bước đầu, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới. Xu hướng cải cách, thuận lợi hoá môi trường kinh doanh đang là xu hướng chủ đạo ở mọi cấp chính quyền.
 Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong hai năm 2016 và 2017 đều đạt mức trên 110.000 doanh nghiệp mỗi năm, dấu mốc rất ấn tượng trong 17 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp. Thứ hạng của Việt Nam trong các thước đo thế giới như Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) hay Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đều tăng, Doing Business 2018 của Việt Nam tăng đến 14 bậc, rất mạnh mẽ.