Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lại báo động tình trạng lạm thu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các trường học nên công khai, minh bạch các khoản thu - chi. Ảnh: Chiến Công

Cứ đến đầu năm học mới, chuyện tiền học và những khoản đóng góp "tự nguyện" lại khiến các bậc phụ huynh bức xúc. Trong số các khoản thu ngoài học phí, thì tiền quỹ phụ huynh vẫn khó kiểm soát, một số trường vẫn "núp bóng" ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) để lách quy định. 

Tự nguyện... "ép"

Đến thời điểm này, hầu hết các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn Hà Nội đều đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm học. Có thể nói, cứ sau mỗi buổi họp lại trở thành nỗi buồn của không ít phụ huynh chỉ vì chuyện nộp tiền học.

 
Các trường học nên công khai, minh bạch các khoản thu - chi. Ảnh: Chiến Công
Kinhtedothi - Các trường học nên công khai, minh bạch các khoản thu - chi. Ảnh: Chiến Công
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, quỹ phụ huynh được thu trên tinh thần đóng góp tự nguyện, không cào bằng hay quy định mức trần. Tuy nhiên, khoản tiền này không được sử dụng để nâng cao đời sống của giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Nhưng thực tế, việc "lạm thu" vẫn núp bóng "tự nguyện". Một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở quận Đống Đa cho biết, sau buổi họp phụ huynh đầu năm (ngày 28/9), ban đại diện cha mẹ HS phát cho các phụ huynh bản cam kết các khoản đóng góp trên tinh thần "tự nguyện". Các khoản thu gồm: Cơ sở vật chất bán trú 100.000 đồng/năm; nước uống tinh khiết 12.000 đồng/HS/tháng; quỹ khăn quàng đỏ 18.000 đồng/HS/năm… Điều đáng nói, trong các khoản thu này, có khoản thu quỹ ban đại diện cha mẹ HS trường gồm: Thu để thưởng thi đua chào mừng ngày 20/11: 500.000 đồng/lớp (61 lớp); chi sơ kết học kỳ I, liên hoan các lớp thu 500.000 đồng/lớp; kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.000.000 đồng); tặng hoa các thầy cô giáo nhân ngày 20/11: 200.000 đồng x 130 giáo viên… Tổng dự kiến chi 170.000.000 đồng/3.400 HS, bổ đầu mỗi HS đóng 50.000 đồng.

"Nói là tự nguyện, nhưng thực tế, phụ huynh chúng tôi vẫn phải miễn cưỡng đóng góp các khoản "tự nguyện" như tiền lắp điều hòa, tiền quỹ trường, quỹ lớp... Việc lấy ý kiến đóng góp để lắp điều hòa, đại diện ban phụ huynh yêu cầu nếu nhất trí thì giơ tay, đương nhiên chẳng ai dám chống đối bởi khi đó giáo viên chủ nhiệm lớp cũng có mặt" - một phụ huynh bức xúc. Còn tại trường Tiểu học Nguyễn Du (phường Văn  Quán, Hà Đông), nhiều phụ huynh bức xúc không kém. Một phụ huynh có con học lớp 1 cho biết, chị đã phải đóng gần 3 triệu đồng: "Ngay đầu năm học, nhà trường yêu cầu mua 2 bộ quần áo đồng phục, sách vở, tiền bảo hiểm y tế, tiền bán trú, cả tiền quỹ phụ huynh lớp... đóng thành nhiều đợt. Tóm lại, tôi đã đóng gần 3 triệu đồng, còn cao hơn cả nhiều trường dân lập". Tương tự, tại trường Tiểu học Khương Đình (quận Thanh Xuân), một số phụ huynh phản ánh, ngoài yêu cầu mua thêm sách giáo khoa, HS được thông báo đóng 340.000 đồng tiền photo copy bài tập, bằng cách viết lại vào vở với nội dung theo mẫu có sẵn mà giáo viên chủ nhiệm đã viết lên bảng, sau đó mang về nhà cho phụ huynh ký và nộp tiền cho giáo viên chủ nhiệm…

Nguyên nhân do đâu?

Tình trạng "lạm thu" đã diễn ra từ lâu, nhiều người dân, chuyên gia giáo dục và các cơ quan báo chí đã lên tiếng rất nhiều, không ít địa phương cũng đã ban hành các văn bản cấm "lạm thu" nhưng câu chuyện này vẫn chưa chấm dứt. Vậy, nguyên nhân do đâu?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Nguyên nhân có thể từ chính sách về học phí chưa thỏa đáng dẫn đến việc thu học phí không đủ bù chi cho các trường học. Việc này cần phải điều tra cụ thể, nếu thu không đủ bù chi thì cần phải tính toán lại để nâng học phí lên. Không nên vì bất kỳ lý do gì để thu học phí thấp rồi lại yêu cầu đóng các khoản phí khác. Một nguyên nhân nữa là thói trục lợi diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất là lấy ban đại diện cha mẹ HS làm “cánh tay nối dài” để tạo các quỹ khen thưởng HS, khen thưởng giáo viên, trang bị cơ sở vật chất nhưng thực chất các quỹ đó chỉ là vỏ bọc. Việc này cần phải cấm tuyệt đối".

Việc công khai tất cả các khoản thu chi ngay từ đầu năm học là cần thiết, bảo đảm công tác quản lý nhà trường, cũng như phối hợp, giám sát của phụ huynh. Nhiều ý kiến cho rằng, các cấp chính quyền, ngành giáo dục cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thu - chi học phí, đảm bảo công khai, minh bạch các khoản thu chi của nhà trường. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đã yêu cầu Sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra, rà soát tình trạng lạm thu đầu năm học, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.