Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lại bất bình vì ngân hàng tăng phí dịch vụ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vietcombank vừa chính thức áp dụng biểu phí mới từ ngày 1/3/2018. Ngoài những phí dịch vụ về mobile banking hay SMS banking trước đây, tài khoản thanh toán sẽ có thêm phí quản lý 2.200 đồng/ tháng. Không chỉ Vietcombank, hồi giữa năm 2017, một số ngân hàng như BIDV, TP Bank, Sacombank cũng tăng phí dịch vụ ngân hàng điện tử.

 Ảnh minh họa
Khách hàng muốn tự do lựa chọn ngân hàng phù hợp
Với Vietcombank, đối với dịch vụ SMS Banking, phí hàng tháng sẽ tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng. Bên cạnh đó, khách hàng của Vietcombank khi chuyển tiền trong cùng hệ thống cũng sẽ mất phí. Nếu lựa chọn chuyển tiền qua Internet Banking, phí sẽ thay đổi từ 3.300 đồng thành 2.200 đồng với giao dịch dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng với giao dịch trên 50 triệu đồng. Nếu lựa chọn chuyển tiền qua Mobile Banking, trước đây khách hàng không mất phí nhưng từ ngày 1/3 sẽ chịu phí 2.200 đồng/giao dịch. Khi chuyển tiền liên ngân hàng, số tiền dưới 10 triệu đồng sẽ chịu phí 7.700 đồng/giao dịch, còn số tiền trên 10 triệu đồng sẽ chịu phí 0,02% tổng số tiền.

Trước đó, cuối tháng 1/2018, Vietcombank đã thông báo về sự điều chỉnh này. Tuy nhiên, việc này vẫn vấp phải nhiều ý kiến khác nhau.

Theo chị Ngọc ở Công ty Dịch vụ Truyền hình Cáp Hà Nội, việc thu phí này cần cân nhắc bởi thực tế nhiều cơ quan nhà nước mở tài khoản bắt buộc cho cán bộ công nhân viên tại Vietcombank. Điều này là không công bằng với khách hàng khi họ không có quyền lựa chọn ngân hàng cạnh tranh hơn.

Thống kê cho thấy, các ngân hàng đang quy định biểu phí không hề giống nhau, nơi cao nơi thấp. Đối với dịch vụ chuyển tiền trong cùng hệ thống ngân hàng, thống kê cho thấy khá nhiều nhà băng đang miễn loại phí này cho khách. Tuy nhiên, cả 3 ngân hàng top 1 là Vietcombank, Vietinbank và BIDV đều thu phí chuyển tiền trong cùng hệ thống. Đối với chuyển tiền liên ngân hàng, mỗi nhà băng lại có một chính sách riêng, không ai giống ai, ngoại trừ ngân hàng Techcombank đang miễn phí toàn bộ giao dịch. Thậm chí tại nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều không thu phí dịch vụ chuyển tiền nội mạng và ngoại mạng.

Trong khi đó, đại diện Vietcombank cho biết, phí duy trì dịch vụ VCB-Mobile B@nking và VCB-iB@nking chỉ áp dụng khi khách hàng có phát sinh các giao dịch tài chính trong tháng. Hơn nữa, Vietcombank còn áp dụng chính sách ưu đãi miễn phí 1 dịch vụ với khách hàng phát sinh giao dịch tài chính đồng thời cả 2 dịch vụ VCB-Mobile B@nking và VCB-iB@nking trong tháng. Cũng theo đại diện Vietcombank, phí chuyển tiền liên ngân hàng qua thẻ trước đây được áp dụng với mức thu 11.000 VND/giao dịch thì trên biểu phí mới Vietcombank chỉ thu 7.700 VND đối với các giao dịch dưới 10 triệu đồng. Mức phí này đã bao gồm thuế VAT. "Đây là những điều chỉnh theo hướng tích cực, linh hoạt hơn cho khách hàng sử dụng", đại diện Vietcombank khẳng định.
Ngân hàng cần có sự tính toán kĩ

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, nếu một ngân hàng cần chi phí để bù trừ cho các chi phí đầu tư thường xuyên thì việc tăng phí sử dụng dịch vụ cũng là “điều dễ hiểu”. Trong khi đó, để duy trì dịch vụ ATM, ngân hàng phải chi phí đầu tư máy móc thiết bị rất lớn, chi cho nhân công tiếp quỹ, bảo trì bảo dưỡng máy móc, an ninh.... Rất khó nói mức phí mà ngân hàng thu hiện nay cao hay thấp, do cơ chế thị trường, khi ấn định mức phí ngân hàng phải có sự tính toán, cân nhắc và so sánh. Cũng theo ông Thắng, khách hàng không phải trả cho tất cả các loại phí đó mà chỉ phải trả đối với loại dịch vụ mà mình sử dụng.

Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, với số lượng tin nhắn gửi ra tới hàng chục, hàng trăm triệu tin mỗi tháng thì số tiền mà mỗi ngân hàng phải chi trả quả là không nhỏ. Ngoài ra, khoản phí rút tiền từ ATM, ngân hàng chỉ thực nhận được 50%, phần còn lại phải trả cho đơn vị trung gian thanh toán nên phần thu về lại càng thấp, không đủ bù đắp chi phí cho ngân hàng để đầu tư và vận hành hệ thống ATM.

Một chuyên gia về thẻ ngân hàng cho rằng, ông đồng ý việc các nhà băng phải thu phí dịch vụ liên quan. Song điều quan trọng là mức tăng thế nào và mức phí ra sao cho phù hợp và nếu ngân hàng tiết kiệm các chi phí hoạt động thì mức phí áp dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ thấp và ngược lại. Bên cạnh đó, mức phí có tương xứng với dịch vụ hay không? Trong khi hiện nay, tính an toàn, bảo mật, chất lượng dịch vụ thẻ chưa tốt và các sự cố như ATM hết tiền, nghẽn mạng, trả tiền rách, máy quẹt thẻ POS gặp sự cố... vẫn thường xuyên diễn ra.

“Việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chỉ mới có phần khởi sắc. Do đó, các ngân hàng cần cân nhắc kỹ mức phí hợp lý để hài hòa giữa lợi ích người sử dụng cũng như phía ngân hàng. Từ đó, các nhà băng mới có thể đẩy mạnh các dịch vụ này để đi theo hướng ngân hàng hiện đại, tăng doanh thu dịch vụ và tiết giảm chi phí”, vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.