Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lại chuyện độc quyền!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Câu chuyện Vietnamobile gửi công văn lên Bộ Thông tin và Truyền thông kêu cứu về việc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tăng giá thuê trạm thu phát sóng (BTS) quá cao đang là chủ đề được bàn tán xôn xao.

Người am hiểu ngành này hay không đều dễ dàng nhận ra vấn đề là Vietnamobile đang gặp khó khăn trước mức tăng giá từ 2 - 10 lần của VNPT. Tính ra, Vietnamobile mất thêm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Thay thế HT Mobile vào tháng 4/2009, Vietnamobile từ đầu đã tập trung vào phân khúc giá rẻ, liên tục cho ra những gói cước ưu đãi và khuyến mại. Điều đó giúp Vietnamobile chiếm được 4,11% thị trường với hơn 4 triệu thuê bao, vươn lên dẫn đầu nhóm các nhà mạng nhỏ. Kết thúc năm 2011, nhà mạng này công bố có hơn 10 triệu thuê bao. Tuy nhiên, hiện nhà mạng này liên tục bày tỏ những khó khăn trên con đường vươn lên. Khó khăn đầu tiên là về tỷ lệ ăn chia chi phí kết nối giữa các mạng. Giả sử thuê bao Vietnamobile gọi cho thuê bao MobiFone, thay vì nhà mạng lớn phải trả cho nhà mạng nhỏ nhiều hơn 550 đồng do nhà mạng lớn đã khấu hao nhiều sau nhiều năm hoạt động. Nhưng thực tế, mức chi phí kết nối giữa nhà mạng chi phối thị trường và các nhà mạng không chi phối chỉ có 10% sự khác biệt, trong khi đó ở thị trường quốc tế, thấp nhất là 30%.

Tiếp đến là những câu chuyện gợi đến vấn đề độc quyền mà Vietnamobile cùng các nhà mạng nhỏ khác đang vướng phải. Đầu tiên là việc Viettel và VNPT cùng lúc nâng giá thuê kênh 200 - 300%. Không lâu sau đó, VNPT lại thông báo tăng giá thuê trạm BTS từ 2 - 10 lần đối với Vietnamobile. Theo đó, Vietnamobile phải chi khoảng 600 triệu đồng/BTS/năm tiền thuê 1 trạm, trong khi đó, chỉ riêng thuê của VNPT đã gần 300 trạm. Với số thuê bao chỉ bằng số lẻ của các nhà mạng lớn, doanh thu/thuê bao thấp, giá thuê kênh tăng, phí BTS tăng cao, không biết Vietnamobile sẽ xoay xở cách nào? Liệu nhà mạng này có đi theo vết xe đổ của Sfone hay Beeline?