Các địa phương từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Đắk Lắk… đều ra thông báo nhắc nhở, cấm việc xe công đi lễ hội trong giờ hành chính. Nếu phát hiện cơ quan, cán bộ, công chức nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, bất chấp các quy định, năm nào tình trạng sử dụng xe công đi lễ hội trong giờ hành chính vẫn diễn ra.
Nhiều xe biển xanh vi vu “du Xuân” trên đường phố Buôn Mê Thuột hay mới đây tại khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở Hải Phòng, hàng loạt xe công chở lãnh đạo đã đến đây hành hương. Thậm chí, lại có cả xe cấp cứu mang theo những lễ vật đi vào bên trong khu tưởng niệm để hành lễ. Xe công đi lễ hiện nay vừa công khai “xếp hàng” tại các điểm trông giữ xe, lại vừa cẩn thận “ngụy trang” sâu trong các ngõ ngách của lễ hội.Điều đáng nói, tình trạng xe công chở lãnh đạo “dạo phố” hay đi lễ hội trong giờ hành chính không phải mới chỉ diễn ra năm nay mà đã tái diễn trong nhiều năm. Điều này cho thấy, một bộ phận công chức, cán bộ vẫn thiếu ý thức trong sử dụng tài sản công, vẫn có tư tưởng “xài chùa” xe công vụ vào mục đích cá nhân. Không chỉ gây lãng phí tài sản công, các cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ sau Tết còn bớt xén thời gian làm việc, phục vụ Nhân dân - những người đã đóng góp trả lương để họ làm nhiệm vụ.Vì thế, bên cạnh nhắc nhở, kiểm điểm khi phát hiện cán bộ dùng xe công du Xuân hay lễ chùa đầu năm vào giờ hành chính, cơ quan quản lý cần phải có giải pháp nghiêm khắc hơn, mạnh tay hơn. Đó là kỷ luật, hạ thi đua, thậm chí cách chức những người vi phạm để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật. Khi tuyên truyền, phê bình chưa đạt hiệu quả như mong muốn thì việc có các chế tài mạnh hơn để xử lý là cần thiết để đảm bảo không lãng phí tài sản công và buộc cán bộ, công chức có ý thức hơn trong công việc. Ngoài ra, công tác giám sát cũng cần chặt chẽ hơn nữa để phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng cán bộ, công chức Nhà nước sử dụng lãng phí xe công nói riêng và tài sản công nói chung.