Lại đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung: Dồn gánh nặng lên vai người dân?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian đưa ra lấy ý kiến và nhận được nhiều phản đối từ các chuyên gia và dư luận về nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ Tài chính lại tiếp tục đưa ra đề xuất tăng thuế này lên kịch khung.

Thuế tăng, xăng tăng, giá con cá, mớ rau… liên đới?
Cụ thể, theo Dự thảo, mức tăng thuế BVMT với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít…, dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên 2.000 đồng/kg...
 Mua, bán xăng dầu tại một cửa hàng trên phố Hoàng Cầu. Ảnh: Thanh Hải.
Về đánh giá tác động của việc tăng thuế BVMT với người dân và nền kinh tế, trong bản Báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thuế BVMT là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành giá cơ sở (là căn cứ để cơ quan quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu). Theo đó, với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng, nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế BVMT trong giá bán khoảng 4,9%; dầu diesel khoảng 3,2%; dầu mazut khoảng 8,9%; dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%. Tuy nhiên, do xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng nên việc tăng thuế sẽ khuyến khích người dân tăng ý thức với BVMT.

Cụ thể, Bộ Tài chính tính toán, với mức thuế BVMT hiện hành đối với xăng gốc hóa thạch là 3.000 đồng/lít thì mức thuế BVMT đối với xăng E5 thấp hơn là 150 đồng/lít. Với mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch dự kiến là 4.000 đồng/lít thì mức thuế BVMT đối với xăng E5 thấp hơn là 200 đồng/lít. Từ đó, giá xăng E5 sẽ thấp hơn giá xăng gốc hóa thạch. Như vậy, theo Bộ Tài chính, việc tăng mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch như trên sẽ tạo thêm chênh lệch giữa giá xăng E5 và xăng gốc hóa thạch, từ đó góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.
Đừng để nặng gánh
Theo các chuyên gia kinh tế, đề xuất tăng mà Bộ Tài chính đưa ra là quá cao và lý lẽ đưa ra chưa thuyết phục. Theo tính toán, mỗi lít xăng có thể sẽ đắt hơn nếu thuế môi trường "gánh" thêm 1.000 đồng (với điều kiện các yếu tố đầu vào không biến động). TS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight - chuyên gia kinh tế làm một phép tính: Xăng dầu hiện đang gánh 4 loại thuế là thuế BVMT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế nhập khẩu. Số liệu mới nhất cho thấy số thu từ xăng dầu chiếm 10% trong tổng số thu ngân sách, trong đó, riêng thuế BVMT chiếm khoảng 4,1%. Nếu áp dụng mức đề xuất mà dự thảo đưa ra, con số này sẽ rất cao trong tổng thu ngân sách. Điều này tác động trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng đến GDP.
Đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu lên kịch khung. Ảnh: Thanh Hải
Bên cạnh đó, thuế BVMT để chi phí cho các hoạt động nhằm giảm thiểu sự tác động từ việc sử dụng xăng dầu tới môi trường. Bộ Tài cho rằng, việc tăng mức thuế BVMT góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường là hoàn toàn không thuyết phục. Bên cạnh đó, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong các chi phí đầu vào nên việc tăng thuế BVMT đối với mặt hàng này sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân và nền kinh tế nói chung. “Muốn BVMT, khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm môi trường, DN, cơ quan quản lý phải tuyên truyền và có những giải pháp cạnh tranh để người tiêu dùng thấy hiệu quả và sử dụng chứ không phải dùng “gậy” hành chính” - ông Tín nhấn mạnh.

Về phía DN - đối tượng bị ảnh hưởng lớn khi giá xăng dầu tăng, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội các DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay, áp thuế BVMT là phù hợp, tuy nhiên mức tăng thế nào là phù hợp thì cần phải xem xét. Chi phí xăng dầu chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí đầu vào của DN, nên việc tăng thuế với mặt hàng này sẽ khiến thêm nặng gánh, giảm sức cạnh tranh của DN.
“Đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu lên kịch khung sẽ làm tăng thêm chi phí vận tải hàng hóa, hành khách và chi phí đầu vào cho các DN. Điều này có thể tác động đến cạnh tranh hàng hóa nên cần thận trọng.
Việt Nam đã cam kết hội nhập với nhiều điều khoản giảm thuế để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Do đó, nên tính cách khác để tăng nguồn thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu tiền thuế thu được cho công tác BVMT”.
TS Lê Đăng Doanh

Tăng thuế BVMT để bù đắp thu ngân sách khi thuế nhập khẩu giảm, theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do - FTA, là không thuyết phục. Tăng thu ngân sách có nhiều cách như cắt giảm chi tiêu công, giải quyết vấn đề DN Nhà nước, đầu tư công có hiệu quả, xử lý thâm hụt ngân sách…

Ngoài ra, việc có các biện pháp quản lý thuế với các loại hình kinh doanh mới trong bối cảnh công nghiệp 4.0 như Grab, Uber, kinh doanh thương mại điện tử…, chống thất thu ngân sách… cần được nghĩ đến nhiều hơn thay vì chỉ tính đến tăng thuế để tăng thu. Bên cạnh đó, công tác quản lý cũng cần chặt chẽ hơn, tránh tình trạng không quản được thì dùng “gậy” hành chính, đẩy gánh nặng lên vai người dân và DN”.

TS Bùi Quang Tín - CEO trường Doanh nhân Bizlight