Ông Anwar Ibrahim là Thủ tướng thứ 10 của Malaysia và là Thủ tướng thứ 4 ở Malaysia kể từ năm 2018. Với 82 ghế dân biểu trong Hạ viện, Liên minh Hy vọng (PH) của ông Anwar Ibrahim không chiếm đa số trong Hạ viện gồm 222 dân biểu.
Do Liên minh dân tộc (PN) của cựu thủ tướng Muhyiddin Yassin với 73 ghế dân biểu trong Hạ viện từ chối tham gia thành lập Chính phủ liên hiệp với phe PH của ông Anwar Ibrahim nên Quốc vương Malaysia đã bổ nhiệm ông Anwar Ibrahim làm Thủ tướng mới. Các đảng phái chính trị trong quốc hội Malaysia đều ngầm ủng hộ ông Anwar Ibrahim cầm quyền.
Sự ủng hộ này mang tính sách lược và phục vụ cho những mưu tính quyền lực lâu dài riêng của họ. Không ai trong số ấy muốn bị cử tri coi là thủ phạm gây mất ổn định chính trị sau bốn năm đất nước chìm đắm trong bất ổn và trì trệ. Ai ai trong số ấy cũng đều chủ ý để cho ông Anwar Ibrahim ứng phó một trong những thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử Malaysia về chính trị, kinh tế và xã hội để chờ thời cơ và điều kiện thuận lợi để lại xuất trận vươn tới quyền lực.
Ông Anwar Ibrahim có được cơ hội cầm quyền nhưng việc nắm quyền hoàn toàn không đơn giản và hiện chưa thấy có dấu hiệu nào đảm bảo ông sẽ thành công.
Dù vậy, bản thân việc ông Anwar Ibrahim trở thành Thủ tướng Malaysia đã là một trong những kỳ tích chính trị ở đất nước này. Hai kỳ tích trước đấy là việc đảng Tổ chức dân tộc Malay thống nhất (UMNO) bị mất quyền bởi phe đối lập trong cuộc bầu cử quốc hội hồi năm 2018 sau hơn sáu thập kỷ cầm quyền liên tục và sự trở lại cầm quyền đầy ngoạn mục của cựu thủ thướng Mahathir Mohamed khi tuổi đã rất cao hồi năm 2018.
Ở ông Anwar Ibrahim, kỳ tích chính trị còn độc đáo và đặc biệt hơn. Ông Anwar Ibrahim được coi là người kế nhiệm ông Mahathir trong đảng UMNO và trên cương vị Thủ tướng Malaysia nhưng rồi bị chính ông Mahathir phế truất, bị cáo buộc mắc nhiều tội lỗi và mấy bận phải ngồi tù. Năm 2018, hai người liên thủ với nhau - mội người ở bên ngoài, một người ở bên trong nhà tù - để lật đổ quyền lực của đảng UMNO. Họ thỏa thuận với nhau là ông Mahathir làm Thủ tướng nửa nhiệm kỳ đầu và ông Anwar kế nhiệm nửa nhiệm kỳ sau. Nhưng rồi ông Mahathir không thực hiện thỏa thuận này.
Ở cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, ông Mahathir không đắc cử trong khi ông Anwar thắng cử và trở thành Thủ tướng của Malaysia. Chưa có ai ở Malaysia trở thành Thủ tướng vất vả và gian lao như ông Anwar. Có lẽ cũng chính vì thế mà kỳ vọng hiện tại của người dân ở Malaysia đặt vào chính phủ mới với ông Anwar rất lớn.
Ông Anwar dường như ý thức được điều ấy nên đã làm ngay hai việc rất đúng đắn, rất thức thời và rất kịp thời. Thứ nhất, ông mời chào các đảng phái chính trị khác tham gia chính phủ, dành hẳn một phần ba số thành viên chính phủ cho các đảng phái chính trị khác mà không cần bắt buộc phải ký kết thoả thuận thành lập chính phủ liên hiệp. Ông muốn tạo dựng hình ảnh về chính phủ đoàn kết thống nhất dân tộc. Thứ hai, ông Anwar Ibrahim xác định ba ưu tiên cầm quyền hàng đầu khắc phục tình trạng phân rẽ trên chính trường và trong nội bộ xã hội, chống tham nhũng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho người dân. Ở hai việc này đều thể hiện sự khác biệt rất cơ bản giữa ông Anwar Ibrahim và những người tiền nhiệm.
Định hướng và ưu tiên cầm quyền đúng đắn đã được xác định, nhưng vị thủ tướng mới cầm quyền có thành công không lại là chuyện khác bởi mọi khó khăn và thách thức đang đặt ra cho ông Anwar Ibrahim đều không dễ vượt qua. Kinh tế Malaysia vẫn chưa thoát hẳn khỏi tác động tiêu cực của dịch bệnh. Mặt bằng giá cả sinh hoạt của người dân vẫn rất cao. Ông Anwar đã dùng chiêu thức "làm thủ tướng không nhận lương" để thể hiện sự thông cảm với lo âu thường nhật của người dân và để thu phục nhân tâm. Kết quả cuộc bầu cử vừa rồi cho thấy mức độ phân cực về chính trị và xã hội hiện tại ở Malaysia vẫn rất trầm trọng. Ông Anwar phải rất khôn khéo và kiềm chế thì mới ngăn cản được sự bất hợp tác và chống phá của các đảng phái chính trị khác.
Dù vẫn còn rất nhiều bất định ở phía trước, Malaysia vẫn đang có được sự khởi đầu mới.