Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất giảm nhưng chưa ngấm đến doanh nghiệp

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn được cộng đồng DN "hồ hởi" đón nhận, nhất là đang chuẩn bị vào cuối năm, thời điểm quan trọng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và chạy nước rút hoàn thành kế hoạch.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, mặc dù thuộc đối tượng nằm trong nhóm 5 lĩnh vực được ưu tiên, song việc tiếp cận nguồn vốn rẻ không dễ như kỳ vọng.
Ngại rủi ro
Sau hơn một tháng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam 0,5%/năm (đầu tháng 7/2017), các Ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt hưởng ứng. Tuy nhiên, chủ một DN may tại Hà Nội cho biết, khi có nhu cầu vay vốn, đến ngân hàng có khi đợi mấy tiếng đồng hồ mà... không được tiếp. Đó là chưa kể ngân hàng cũng ngại nhận tài sản thế chấp là máy móc hoặc cho vay nhưng định giá rất thấp. Giám đốc Công ty TNHH Huy Long Võ Quang Huy cho biết, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi của công ty hiện được đầu tư rất công phu, tốn kém nhưng khi đem ra ngân hàng thế chấp, vay vốn thì chỉ định giá rất thấp. “Đơn cử, 1ha trồng cam, trồng bưởi của công ty có thể cho doanh thu từ 700 – 750 triệu đồng/năm, nhưng khi đem thế chấp ngân hàng chỉ được định giá vài chục triệu đồng”- ông Huy chia sẻ.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VietcomBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Theo quy định của các ngân hàng, chỉ những DN đạt tiêu chuẩn xếp hạng tín dụng loại A; không bị "dính" nợ xấu... mới dễ tiếp cận vốn tín dụng. Chính vì vậy, với anh Đặng Văn Phong (Hưng Yên) lập nghiệp bằng một dự án nông nghiệp rất khó vay vốn. “Không những vậy, để được vay, các DN phải có phương án kinh doanh hiệu quả, có báo cáo tài chính ổn định và minh bạch. Thậm chí, nhiều công ty khởi nghiệp vẫn giao dịch bằng tiền mặt mà không thông qua ngân hàng nên không chứng minh được khả năng tài chính của mình. Đặc biệt, nhiều DN vừa mới bước vào kinh doanh nhưng các ngân hàng lại đòi hòi phải kinh doanh được vài năm và đạt quy mô nhất định thì mới cho vay vốn” - anh Phong bày tỏ.
Lựa chọn DN để cho vay
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Tô Hoài Nam, không riêng gì Việt Nam mà tại các nước trong khu vực, DNNVV cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn do không đáp ứng được điều kiện tín dụng. “Chúng tôi cũng đã có những kiến nghị, làm cầu nối giữa ngân hàng với DN. Nhiều tỉnh đã có đối thoại ở quy mô lớn hơn giữa ngân hàng và các DN. Tuy nhiên, quanh đi quanh lại thì ngân hàng cũng kêu khó vì ngân hàng cũng là DN, cũng phải tính hiệu quả kinh doanh. Nên vốn vẫn là bài toán rất khó, và DN cũng rất khó để vượt khó”- ông Nam nêu thực trạng. Tuy nhiên, đại diện DNNVV cũng kiến nghị, các ngân hàng cần cải tiến về quy trình, thủ tục cho vay theo hướng vẫn bảo đảm an toàn nhưng không quá phức tạp; cải tiến, đưa ra sản phẩm tín dụng phù hợp hơn với nhu cầu DN; tư vấn giúp DN minh bạch hơn về thông tin tài chính, qua đó đánh giá được dòng tiền làm cơ sở cho vay để không quá phụ thuộc vào tài sản thế chấp như hiện tại.
Về phần mình, lãnh đạo một NHTM cho biết: “Đối với những DN là khách hàng tốt, có dư nợ lớn tại ngân hàng, ngân hàng sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho vay vốn ưu đãi. Thậm chí đối với những khách hàng thân thiết, những DN có xếp hạng tín dụng tốt, ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn cả lãi suất huy động để giữ chân”. Tuy nhiên, nhiều DN không đủ điều kiện vay vốn do kinh doanh không có lãi, thậm chí thua lỗ hoặc không có nhu cầu vay vì thiếu đơn đặt hàng… nên dù muốn tăng trưởng tín dụng nhưng ngân hàng không thể “nhắm mắt cho vay” trong bối cảnh hiện nay. “Trong điều kiện bình thường thì không sao, nhưng khi nền kinh tế có biến động, kể cả có tài sản bảo đảm vẫn phát sinh nợ xấu và không thu được hết nợ, chứ chưa nói là tín chấp”, vị này nói và cho biết, Nghị quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng có đoạn “cán bộ tín dụng để phát sinh nợ xấu có thể bị xử lý hình sự”, nghĩa là hình sự hóa vấn đề và đương nhiên, các ngân hàng đều “sợ”.
Ngân hàng cần có tài sản thế chấp của DN để bảo đảm an toàn cho khoản vay. Song, các ngân hàng nên chú trọng những giá trị tài sản khác như hợp đồng vay vốn, hợp đồng kinh doanh uy tín của lãnh đạo, DN, lịch sử kinh doanh, khả năng trả nợ của DN đối với hợp đồng vay vốn. Khi đó, tài sản thế chấp sẽ ở vị trí thứ yếu. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi ngân hàng Việt Nam phải có đủ khả năng đánh giá, thẩm định tài sản thế chấp đó.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng