Tiền vẫn vào... ngân hàng
Sáng đầu tuần, tại Vietcombank chi nhánh Thành Công, lượng khách vào giao dịch khá đông. Khách vẫn phải lấy số chờ đến lượt.
Bà Nguyễn Thị Chung (Láng Hạ - Hà Nội) cho biết, bà đi đáo hạn sổ tiết kiệm 100 triệu "Số tiền không nhiều nên vợ chồng tôi tính gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng dưỡng già chứ không tính đến việc đầu tư" - bà Chung nói.
Với các khách hàng lớn tuổi, việc gửi tiết kiệm như một kênh tích lũy vừa an toàn lại vừa sinh lời. Còn với một số nhà đầu tư nhỏ thì sau nhiều lần "bỏng tay" với bất động sản, chứng khoán trong bối cảnh khó khăn, họ cũng chọn cách nhờ ngân hàng “bảo tồn” nguồn vốn. Chị Nguyễn Hồng Minh (Lê Văn Lương - Hà Nội) cho biết, trước đây, thấy bất động sản xuống sâu, tưởng đây là cơ hội, có ít tiền tiết kiệm tôi chọn cách mua căn hộ để bán trao tay. Nhưng giá căn hộ không những không lên mà còn giảm, rao bán cũng không ai mua. Lần này có được 200 triệu đồng tiền nhàn rỗi, chị chọn cách gửi tiết kiệm, tuy tỷ lệ sinh lời không đáng kể do lãi suất giảm nhưng vừa an toàn, vừa không phải đau đầu tính toán.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), việc giảm lãi suất huy động không ảnh hưởng đến nguồn vốn chảy vào ngân hàng, tình hình khách hàng gửi tiền tại ngân hàng vẫn ổn định. "Các kênh đầu tư khác đã có tín hiệu lạc quan nhưng chưa đủ sức thuyết phục để người dân hoạch định những kế hoạch đầu tư dài hạn. Số đông người dân muốn an tâm về nguồn vốn, gia tăng lợi nhuận một cách an toàn thì gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng vẫn là một trong những kênh hiệu quả nhất" - bà Hương nói. Cũng theo bà Hương, trong 2 tuần qua, tiền gửi vào Oceanbank không những không sụt giảm mà còn có xu hướng tăng nhẹ.TS Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển - Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện, các ngân hàng không thiếu vốn, thậm chí nhiều ngân hàng còn chủ động giảm lãi suất huy động trước khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất. Bởi vậy, theo tôi, tiền sẽ vẫn tiếp tục vào ngân hàng, bởi người dân không biết rót vốn đầu tư vào đâu.
Việc giảm lãi suất huy động không ảnh hưởng đến nguồn vốn chảy vào các ngân hàng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Vietcombank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Lãi suất sẽ giảm tiếp?
Dù lãi suất huy động đã được các ngân hàng điều chỉnh về mức khá thấp nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính và nhiều chuyên gia kinh tế, dư địa giảm lãi suất huy động vẫn còn.
Theo TS Vũ Đình Ánh, để giảm lãi suất huy động, có nhiều điều kiện, song điều kiện tiên quyết là kiềm chế và kiểm soát được lạm phát. Quý I, lạm phát tính theo năm dao động ở mức 6,6% - 7%. Với mục tiêu lạm phát duy trì ở 6 - 6,5% như yêu cầu của Quốc hội, ông Ánh cho rằng, điều kiện để kéo giảm lãi suất huy động xuống khoảng 7%/năm là có cơ sở.
Mới đây, Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế quý I/2013 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định, lực cầu yếu, tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ giá ổn định… những yếu tố này sẽ tạo dư địa cho việc giảm lãi suất huy động xuống 7%, lãi suất cho vay xuống 10%.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều đáng lo nhất là nếu nới lỏng tín dụng, kể cả việc thông qua tăng tổng tín dụng cũng như hạ lãi suất quá mức sẽ gây ra nguy cơ về lạm phát. Bởi vậy, cần quan tâm tới độ trễ khi nới lỏng chính sách tiền tệ. Hiện, chúng ta đang hạ lãi suất rất thận trọng, kể cả lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, khả năng tăng tín dụng hoặc bơm tín dụng ồ ạt gây ra nguy cơ về lạm phát cũng rất khó, do điều kiện giới hạn về kinh tế, tài chính hiện nay ở đối tượng vay và các tổ chức cho vay.
Ở đầu bên kia của lãi suất, thực tế cho thấy các DN hiện vẫn phải vay vốn ngân hàng với lãi suất trung bình khoảng 12 - 15%/năm và chỉ một số các dự án được ngân hàng đánh giá tốt mới có thể vay với lãi suất 12 - 13%/năm. Một số ngân hàng đã tung ra các gói cho vay ưu đãi để thu hút khách hàng với lãi suất từ 10 - 12%/năm nhưng đi kèm với khá nhiều điều kiện nên không phải DN, cá nhân nào cũng có thể tiếp cận.
Trong khi người đi gửi tiết kiệm vẫn thiệt thòi với mức lãi suất thấp thì người đi vay vẫn chưa thể vui với độ trễ của việc hạ lãi suất vay.