Kinhtedothi - Ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Họp báo công bố hạ một loạt các mức lãi suất chủ chốt.
Trong khi lãi suất giảm thì tín dụng lại bắt đầu nhúc nhích tăng. Đây là một tín hiệu tích cực sau nhiều nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế của hệ thống ngân hàng.
Theo các quyết định của NHNN, trần lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm; Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm; Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Lãi suất tái cấp vốn từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; Lãi suất tái chiết khấu từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.
Ảnh minh họa.
Song song với việc cắt giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm; Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức là người cư trú, tổ chức là người không cư trú (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0,25%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là người cư trú, cá nhân là người không cư trú giảm từ 1,25%/năm xuống 1%/năm.
Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất lần này, Phó Thống đốc NHNN - Nguyễn Đồng Tiến cho rằng: “Giảm lãi suất huy động sẽ là cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Với mức giảm lần này, khả năng huy động vốn của các tổ chức tín dụng sẽ không bị ảnh hưởng. Số dư tiền gửi tại các ngân hàng vẫn gia tăng từ sau Tết, ngay cả thời điểm gần đây, các ngân hàng thương mại liên tục hạ lãi suất huy động. "Trong bối cảnh hiện nay, việc gửi tiền vào ngân hàng theo tôi vẫn là kênh an toàn và hiệu quả nhất. Tôi tin xu hướng này vẫn được xã hội chấp nhận”- ông Tiến nói.
Đại diện NHNN khẳng định, từ đầu năm tới nay, NHNN đã tích cực triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản tốt. Đến 13/3/2014, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tăng 2,96% so với cuối 2013. Huy động vốn tăng cao sau Tết, hiện đã tăng 1,92% so với cuối 2013, trong đó huy động VND tăng 2,23%, huy động ngoại tệ giảm 0,09%, phù hợp với chủ trương chống USD hóa.
Cũng tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Tín dụng tính đến 13/3 vẫn tăng trưởng âm 1,05% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tháng 3 tới nay thì tín dụng đã tăng 0,13% so với cuối tháng 2, đây là tín hiệu đáng mừng sau hai tháng giảm liên tục trước đó”.
Tín dụng tăng trưởng chậm chạp, song đại diện NHNN khẳng định, năm nay NHNN vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12-14%. Theo Phó Thống đốc NHNN – Nguyễn Đồng Tiến: “Giảm lãi suất chỉ là một trong những biện pháp điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tiền tệ cũng chỉ là một trong những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Do vậy, việc giảm lãi suất tạo cơ sở khuyến khích tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ khác của các cơ quan quản lý”.
Về các giải pháp khuyến khích tăng trưởng tín dụng, đại diện NHNN cho biết: “Việc đưa lãi suất xuống là cơ sở để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đồng thời những biện pháp chỉ đạo của NHNN thông qua các giải pháp như gắn kết giữa hệ thống tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, với khách tạo mối liên kết hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ đó tháo gỡ các khó khăn trong việc xem xét cho vay, giải ngân vốn cũng là những biện pháp để kích thích tín dụng. Ngoài ra cũng có những biện pháp đang tiếp tục được thực hiện như xem xét cơ cấu lại nợ, dành những chương trình thí điểm”.